0908.326.779 - 0906.362.707
 

TPHCM thông tin về chủ trương mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ

13/10/2021    4.6/5 trong 5 lượt 
TPHCM thông tin về chủ trương mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ
Dịch vụ ăn uống tại chỗ là hoạt động tập trung đông người, có khả năng gây ra nhiều rủi ro nên TPHCM cần tính toán kỹ lưỡng phương án khi mở cửa trở lại.
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, vừa qua quận 7 đã đề xuất phương án cho thí điểm mở dịch vụ ăn uống tại chỗ nhưng chưa được thành phố phê duyệt.
 
Đại diện Sở Công Thương cho biết việc mở lại các dịch vụ trong thời gian vừa qua theo Chỉ thị 18. Tinh thần là thành phố đã xem xét và có sự tham mưu của các sở ngành. Các loại hình nào xét thấy có đủ điều kiện tổ chức hoạt động trong an toàn được thì mở lại, còn loại hình có khả năng gây ra nhiều rủi ro nên cần tính toán. Hoạt động ăn uống tại chỗ là hoạt động tập trung đông người nên tới thời điểm hiện nay thành phố chưa có chủ trương mở lại.
 
Ông Phương cho biết thêm, không chỉ quận 7 mà nhiều địa phương khác hoàn toàn có đủ điều kiện nếu mà xét mức độ kiểm soát an toàn dịch.
 
“Trên bình diện chung, thành phố xét thấy chưa cần thiết mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ ở thời điểm này, cần phải có những tính toán”, ông Nguyễn Nguyên Phương bày tỏ.
 
Về lộ trình, ông Phương cho biết các loại hình dịch vụ sẽ do Sở ngành chuyên môn phụ trách, ví như dịch vụ chăm sóc sức khoẻ do Sở Y tế phụ trách, dịch vụ vui chơi giải trí do Sở Văn hoá Thể thao đảm nhiệm. Dịch vụ ăn uống do Ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm phụ trách và tham mưu về bộ tiêu chí an toàn thực phẩm.
 
Trước đó, ngày 7.10, quận 7 đề xuất quy mô hoạt động của cơ sở kinh doanh ăn uống tối đa 30% công suất nhưng không quá 20 người trong cùng một thời điểm. Diện tích kinh doanh tối thiểu phải từ 100m2 trở lên, ưu tiên khu vực ngoài trời, thoáng khí, không sử dụng máy lạnh.
 
Đồng thời, cơ sở phải đáp ứng yêu cầu tất cả nhân viên, người lao động và khách hàng đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế ít nhất 14 ngày, hoặc là F0 đã khỏi bệnh COVID-19 dưới 6 tháng.
 
Cơ sở kinh doanh phải được UBND quận 7 thẩm định điều kiện hoạt động, cấp mã QR, gắn camera giám sát và kết nối về trung tâm kiểm soát phòng chống dịch và phục hồi kinh tế quận 7 để kiểm soát nhân viên và khách hàng ra vào hàng ngày.
 
Theo đánh giá của quận 7, qua 15 ngày thử nghiệm trên địa bàn quận, có 434 đơn vị doanh nghiệp và hộ kinh doanh (ngoài khu chế xuất), với gần 4.000 lao động đã tổ chức hoạt động trở lại. Kết quả, người dân và doanh nghiệp phấn khởi với việc mở cửa hoạt động trở lại và các đơn vị chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.
HUYÊN NGUYỄN