Trong thời gian qua, những điểm bán thực phẩm tự phát, bán qua mạng mở ra rất nhiều gây mất an toàn thực phẩm. Do đó, cơ quan chức năng sẽ siết chặt thanh tra, xử phạt.
Tại chương trình Livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 29/10, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý
an toàn thực phẩm TP.HCM - cho rằng hiện nay người dân tuyệt đối không được chủ quan bởi việc bán tại chỗ vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đặc biệt là rượu,
bia khi người dân giao lưu gặp gỡ.
Để đáp ứng nhu cầu người dân, TP đã cho phép thí điểm ăn uống tại quận 7 và TP Thủ Đức. Nếu sau 2 tuần, số ca nhiễm tăng mạnh, nhà chức trách sẽ không cho bán ăn uống tại chỗ có phục vụ bia, rượu toàn thành phố.
"Điều quan trọng nhất là mỗi người dân phải nhất quán trong việc ý thức bảo vệ sức khỏe của mình. Nếu đóng hoài thì không thể chịu nổi, nhưng mở cửa một cách thoải mái mà người dân chủ quan thì sẽ đốt bỏ hết những gì thành phố đã làm", bà nói.
Nhà hàng trong khách sạn, cơ sở phục vụ du lịch được bán rượu, bia
Trong luật không cấm người dân từ các quận, huyện khác đến quận 7, TP Thủ Đức nhưng khi đến các hàng quán tại 2 địa phương này phải đáp ứng theo bộ tiêu chí như: Quét mã QR, khai báo y tế. "Mình đã rất cố gắng nhưng hãy ráng thêm một chút nữa", bà chia sẻ.
Về các tiêu chí đối với việc hàng quán mở bán tại chỗ, bà Lan cho biết trước hết cơ sở kinh doanh phải đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm, có giấy được cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép. "Nếu hộ kinh doanh cá thể do quận, huyện cấp, nếu doanh nghiệp sẽ do ban quản lý an toàn thực phẩm cấp", bà Lan cho hay.
Đồng thời, cơ sở kinh doanh phải được Sở thông tin truyền thông cấp mã QR và phải đáp ứng các tiêu chí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 về các bố trí bàn ghế, vệ sinh khử khuẩn.
"Quan trọng là giữ khoảng cách, ý thức của người dân, chủ cơ sở kinh doanh và nhân viên", bà nói.
Trả lời câu hỏi
nhà hàng khách sạn có được phép
phục vụ ăn uống, rượu bia khách đến lưu trú, cơ sở phục vụ du lịch, bà Lan cho biết không áp dụng yêu cầu phục vụ rượu bia và giới hạn thời gian mở cửa vì TP có chủ ý phục vụ du lịch. "Tuy nhiên, ngoài khách của nhà hàng trong khách sạn mình có thể nhận khách bên ngoài nhưng cần quét mã QR, khai báo y tế đầy đủ", bà nói.
Bên cạnh đó, bà cho biết hiện nay có nhiều điểm bán thực phẩm tự phát, bán qua mạng dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, do đó tới đây Ban quản lý sẽ siết lại.
"Khi cho phép mở lại các cơ sở
kinh doanh thực phẩm cũng đồng nghĩa với việc sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm”, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TP nhấn mạnh.
Chủ hàng quán liên hệ ai để tiêm vaccine cho nhân viên?
Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết hiện nay nhiều người dân khi quay lại TP.HCM chưa được tiêm đủ vaccine Covid-19. Ngoài việc TP tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi, TP còn quan tâm đến bà con trở về thành phố. Người dân quay lại bất kỳ lúc nào, các địa phương vẫn duy trì tiêm vaccine.
"Bà con có thể về nơi cư trú, tạm trú, liên hệ phường xã để được tiêm vaccine. Kể cả việc không có giấy xác nhận tiêm vaccine mũi 1 chỉ cần khai báo và cam kết để được sắp xếp tiêm. Hoặc chủ doanh nghiệp tập hợp danh
sách tiêm tại địa phương hoặc tại doanh nghiệp", ông nói và cho biết hiện nay các địa phương vẫn duy trì tiêm vaccine cho người dân trên 18 tuổi.
Đồng thời, bà Lan cho biết chủ cơ sở phải chủ động liên hệ với địa phương cho công nhân tiêm mũi 1 ít nhất 14 ngày mới được nhận vào làm việc.\
Bà Lan cho biết trong 2 ngày qua, cơ quan chức năng quận Tân Bình và Bình Tân đang tiến hành kiểm tra, xử phạt rất nhiều trường hợp vi phạm. "Trong bộ tiêu chí quy định rõ chủ cơ sở phải có phương tiện, kế hoạch phòng, chống dịch để đoàn kiểm tra có cơ sở xử lý. Về kiểm tra an toàn thực phẩm, hiện ban quản lý đã khởi động lại toàn bộ hệ thống thanh tra, việc kiểm tra có thể kết hợp cả hai nội dung", bà nói.
Bà nhấn mạnh không phải hàng quán nào ở quận 7, TP Thủ Đức cũng được bán tại chỗ phục vụ rượu bia bởi ngay trong 1 quận, huyện lại có cấp độ dịch từng phường khác nhau.
"Hiện nay cơ sở kinh doanh đều rất khó khăn, nhu cầu người dân cũng rất nhiều nhưng trong giai đoạn này vẫn phải đề cao cảnh giác. Đặc biệt về vấn đề rượu bia, đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc gây tử vong do các loại rượu pha chế không rõ nguồn gốc. Do đó, sử dụng rượu bia thời điểm này không chỉ tăng nguy cơ lây nhiễm mà còn có thể nguy hiểm đến tính mạng", bà nói.