0908.326.779 - 0906.362.707
 

Không nên dễ dãi khi mua thực phẩm online

04/12/2021    4.6/5 trong 5 lượt 
Không nên dễ dãi khi mua thực phẩm online
Do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nên nhu cầu mua thực phẩm trực tuyến (online) qua các trang mạng ngày càng trở nên phổ biến, nhất là các loại thực phẩm tươi sống, như: Thịt, cá, rau, củ… Chính vì vậy, các cá nhân kinh doanh thực phẩm thông qua các trang mạng xã hội càng nhiều. Tuy nhiên, có không ít người kinh doanh theo hình thức tự phát, không có giấy phép kinh doanh cũng như không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm, do đó người dân không nên “dễ dãi” khi mua sắm thực phẩm online.

Chất lượng sản phẩm khác với lời quảng cáo

Với từ khóa “thực phẩm online” chỉ mất 0,72 giây tìm kiếm đã cho ra 121 triệu kết quả trên trang công cụ tìm kiếm Google. Người tiêu dùng chỉ cần gõ thực phẩm mình cần tìm kiếm, hàng loạt “gian hàng ảo” hiện ra với đầy đủ mức giá cả, gọi điện, gửi tin nhắn đặt hàng, thông báo địa chỉ giao hàng cho nơi bán rồi… ung dung ngồi ở nhà chờ đồ mang đến.

Ngoài ra, trên những trang bán hàng thực phẩm online, khách hàng sẽ nhận được vô số hình ảnh sản phẩm trông vô cùng bắt mắt, kèm theo giá của sản phẩm là những lời quảng cáo “có cánh”. Điều giống nhau là người bán hàng nào cũng quảng cáo chất lượng bảo đảm, nếu thêm chữ “đồ nhà trồng”, “quà quê” thì càng thêm tính thuyết phục. Thế nhưng, thực tế lại khác xa với những lời quảng cáo.

Thời gian qua, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên gia đình chị Nguyễn Thanh Hà (ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) chỉ đặt mua thực phẩm trên các trang mạng xã hội. “Việc đặt hàng trên các trang mạng xã hội rất thuận tiện, chỉ cần chọn những sản phẩm muốn mua thì lập tức có người mang đến tận nhà. Điều đó đã giúp tôi hạn chế việc phải đi lại, phải tiếp xúc với đám đông và phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, trên trang bán hàng online, người bán giới thiệu sản phẩm rất tươi ngon, nhưng đến khi nhận hàng thì không như mong muốn”, chị Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.

Từ thực tế kiểm tra, giám sát, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh từng đưa ra cảnh báo, các sản phẩm bán qua mạng thường không kèm theo chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và hợp pháp theo quy định pháp luật hiện hành. Việc mua bán diễn ra theo hình thức thỏa thuận giữa các bên, nên rất khó cho công tác quản lý. Những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc giả mạo nguồn gốc xuất xứ có thể tiềm ẩn nguy cơ chứa chất cấm, tồn dư kháng sinh, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… gây bệnh cho người sử dụng.

Xuất phát từ thực tế công tác quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài, thực phẩm không bảo đảm an toàn xuất phát từ các cơ sở, cá nhân kinh doanh online. Tuy nhiên, công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm trong giai đoạn này gặp nhiều khó khăn. Lý do là lực lượng quản lý tập trung vào công tác phòng, chống dịch, nên việc kiểm tra không được tiến hành thường xuyên. Thêm vào đó, việc kinh doanh online tự phát, nên chủ cơ sở không đăng ký kinh doanh; địa chỉ đơn vị kinh doanh thường xuyên thay đổi; thậm chí phạm vi kinh doanh ngoài địa bàn quận và phường; nguồn cung cấp thực phẩm khó kiểm soát… Trong khi đó, ý thức của người kinh doanh còn thấp, việc vận chuyển hàng hóa không bảo đảm…

Nâng cao nhận thức của người dân

Bình thường khi đi chợ dân sinh, mọi hoạt động mua bán đều được người mua e dè hay lựa chọn một cách kỹ càng. Thế nhưng, mua thực phẩm online thì người tiêu dùng lại tỏ ra khá “dễ dãi” khi lựa chọn, hầu hết họ lựa chọn thực phẩm được chụp và đưa lên mạng theo cảm tính là chính. Chính vì vậy, nhiều người đã phải ôm “quả đắng” khi mua phải thực phẩm trên mạng ở những cửa hàng online không có uy tín.

Bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) lưu ý, thực phẩm bán online chủ yếu được chế biến tại hộ gia đình. Với quy mô chế biến nhỏ lẻ, không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, thực phẩm được bán online tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc. Hơn nữa, với phương thức sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, nhiều hộ chế biến thực phẩm không đủ trang thiết bị để bảo quản, không đủ kiến thức về dinh dưỡng..., chưa kể đến sự hạn chế trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào...

Theo Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan, để tránh mua phải thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, trước tiên cần nâng cao nhận thức mua hàng online cho người dân. Khi tìm hiểu để mua sản phẩm, người dân cần xem xét cửa hàng đó có uy tín, có thể đặt hàng ít để kiểm tra chất lượng trước, chứ không hoàn toàn đặt toàn bộ. Dù mua bán online hay mua bán trực tiếp thì cơ sở cũng phải được thẩm tra, thẩm định, đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; thông tin về điều kiện giao dịch chung như: Đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Cũng theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nếu mua hàng qua các mạng xã hội cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không nên mua ở những trang mạng không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng online

XUÂN LỘC