Công tác quản lý về an toàn thực phẩm thực hiện triệt để tinh thần cơ quản lý phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, không nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp
An toàn thực phẩm và phòng dịch Covid-19
“Hội nghị trực tuyến về công tác bảo đảm
an toàn thực phẩm” đã được Cục An toàn thực phẩm tổ chức ngày 24.11.2021, kết nối với các tỉnh thành trên cả nước.
Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Cục An toàn thực phẩm, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chủ trì Hội nghị, và có sự tham dự của GS-TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, PGS-TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm
an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia.
Tại Hội nghị đại diện Lãnh đạo các phòng/đơn vị thuộc Cục An toàn thực phẩm đã phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và có hiệu lực như: Thông tư số 29/2020/TT-BYT, Thông tư số 12/2021/TT-BYT, Thông tư số 10/2021/TT-BYT; báo cáo công tác thanh tra, hậu kiểm năm 2021; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm năm 2021.
Tại hội nghị, đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia có tham luận hướng dẫn về công tác bảo đảm dinh dưỡng cho bệnh nhân dương tính đang điều trị Covid-19. Đại diện Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, và Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh Bắc Giang, Nghệ An, Đắk Lắk đã có các tham luận về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương.
Dịp này, các đại biểu cùng tham gia thảo luận về các biện pháp và định hướng bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2022, trong đó có đề cập về thanh tra, hậu kiểm các sản phẩm bảo vệ sức khỏe,
thực phẩm chức năng; chấn chỉnh các vi phạm trong quảng cáo, đảm bảo an toàn
bếp ăn tập thể, phòng chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp, trong trường học khi học sinh trở lại học trực tiếp.
Hậu kiểm thực hiện đúng quy trình
Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nêu rõ, trong quá trình triển khai các hoạt động nếu gặp khó khăn, vướng mắc các Ban quản lý, Chi cục
ATVSTP các tỉnh/thành phố cần có văn bản gửi Cục để kịp thời giải quyết, xử lý, nếu văn bản, đề xuất của địa phương vượt quá quyền hạn xử lý Cục sẽ có văn bản gửi cấp có thẩm quyền để trả lời, hướng dẫn.
Thực hiện triệt để tinh thần cơ quản lý phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, tránh thái độ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Về hoạt động hậu kiểm, Cục đề nghị hằng năm trên cơ sở kế hoạch của T.Ư các địa phương cần xây dựng và trình cấp có thẩm quyền của địa phương để ban hành kế hoạch hậu kiểm của địa phương. Quá trình hậu kiểm cần đảm bảo đúng quy trình, quy định về công tác lấy mẫu, xử phạt vi phạm hành chính,…
Đề nghị các Ban quản lý an toàn thực phẩm, Chi Cục ATVSTP các tỉnh/thành phố cần cập nhật, bám sát vào các văn bản mới ban hành để thực hiện chức năng quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Ngoài công tác bảm đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang rất nóng hiện nay, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong cũng đề nghị các địa phương trong thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung: việc giám sát, lấy mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn các tỉnh/thành phố; phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xử lý vi phạm quảng cáo đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe; tăng cường việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc do độc tố tự nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh Covid,… để các hoạt động triển khai đạt hiệu quả cao nhất.
Đề nghị các địa phương căn cứ vào nội dung hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm và Viện Dinh dưỡng quốc gia về bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 đẩy mạnh công tác tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng địa phương, đạt hiệu quả cao nhất, góp phần vào việc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh.