0908.326.779 - 0906.362.707
 

Siết chặt chất lượng an toàn thực phẩm qua thanh kiểm tra, hậu kiểm

18/01/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Siết chặt chất lượng an toàn thực phẩm qua thanh kiểm tra, hậu kiểm
Năm 2019, công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm về lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh, kiểm tra, hậu kiểm nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm và kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, lễ hội và các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành TW về ATTP vừa ban hành kế hoạch thanh, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP năm 2019. Theo đó, việc thanh, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp. Thông qua hoạt động thanh, kiểm tra, hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm... Việc thanh kiểm tra, hậu kiểm về ATTP năm 2019 tập trung vào đánh giá trách nhiệm đơn vị, cá nhân trong thực hiện quản lý nhà nước về ATTP; Việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo; Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...

siet-chat-chat-luong-an-toan-thuc-pham-qua-thanh-kiem-tra-hau-kiem-1

Lãnh đạo Cục ATTP kiểm tra hậu kiểm ATTP tại Hưng Yên.

Đồng thời, việc thanh kiểm tra, hậu kiểm về ATTP cũng tập trung vào việc đánh giá sự chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học và ATTP tại các lễ hội, sự kiện lớn, kinh doanh thức ăn đường phố; kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và kiểm soát quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả và sản phẩm rau củ quả, thủy sản, sản phẩm thủy sản, phụ gia thực phẩm... và các sản phẩm thực phẩm theo sự phân công trách nhiệm quản lý của các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương. Trên cơ sở đó, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện đảm bảo ATTP đúng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đánh giá tình hình về ATTP đối với các nhóm thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm định hướng giải pháp quản lý. Công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm phải ngăn chặn được cơ bản tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh, kiểm tra, hậu kiểm nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm, sản phẩm sản xuất tại các cơ sở không có một trong các giấy chứng nhận sau: GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 và kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, lễ hội và các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP... Kết hợp thanh, kiểm tra, hậu kiểm hồ sơ và lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu ATTP, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm, ghi nhãn, quảng cáo và chỉ tiêu an toàn cơ sở tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm...

 

 

Năm 2019, tại TW, ngành y tế tập trung thanh, kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019; Hậu kiểm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng; Kiểm tra trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP theo Chỉ thị số 13/CP-TTg đối với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hóa, Nam Định. Thanh, kiểm tra liên ngành trong Tháng hành động vì ATTP 2019. Thanh tra việc chấp hành quy định về ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Phú Thọ, Yên Bái, Cần Thơ, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội.

Tại các địa phương: Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh tham mưu cho UBND cấp tỉnh/Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh xây dựng kế hoạch hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm; hậu kiểm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; phối hợp với Cục ATTP hậu kiểm về sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại các địa bàn.

 

 

Nguyễn Hoàng