Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình Sữa học đường, trong đó đặc biệt nhấn mạnh, sữa dùng trong chương trình phải là sữa tươi.
Nhằm triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, trong quyết định số 7091/QĐ-BYT (ban hành ngày 26.11), Bộ Y tế yêu cầu Cục An toàn Thực phẩm xây dựng ban hành quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng nhãn mác sản phẩm riêng cho các loại sữa tham gia Chương trình sữa học đường (logo dành cho sản phẩm của Chương trình)
Theo đó, sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29.12.2017 của Bộ NN&PTNT.
Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm Sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28.9.2016 của Bộ Y tế.
Bộ Y tế giao cho Cục An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em xây dựng và ban hành quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020 đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng nhãn mác sản phẩm riêng cho các loại sữa tham gia Chương trình sữa học đường; Phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai Chương trình Sữa học đường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cục cũng cần phối hợp với Viện Dinh Dưỡng và các đơn vị liên quan xây dựng định mức quy định sữa phù hợp với lứa tuổi nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường; Phối hợp với Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng và các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động thông tin giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, bố, mẹ, người chăm sóc về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp theo nhóm tuổi.
Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan biên soạn tài liệu và tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên tham gia Chương trình Sữa học đường; Phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn địa phương, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường; Phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát việc triển khai và đánh giá hiệu quả của Chương trình Sữa học đường; Phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và các đơn vị liên quan tổ chức tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình vào cuối năm 2020.
Bộ Y tế cũng giao Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em xây dựng Kế hoạch hoạt động triển khai Chương trình; Tổ chức các chuyến giám sát việc triển khai và đánh giá hiệu quả của Chương trình Sữa học đường; Bộ Y tế giao Viện Dinh Dưỡng xây dựng định mức quy định sữa phù hợp với lứa tuổi nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường....