0908.326.779 - 0906.362.707
 

Phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực

25/10/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực
Ngày 20-10 vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh công bố các nhóm sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp chủ lực của thành phố giai đoạn 2018-2020. Ðó là những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; có khả năng cạnh tranh, phát triển tốt... Vấn đề quan trọng hơn là thành phố cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả để đẩy mạnh việc sản xuất các sản phẩm chủ lực này.

Theo đó, có ba nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, gồm: Nhóm sản phẩm cây trồng là rau và hoa, cây kiểng; Nhóm sản phẩm chăn nuôi là bò sữa (con giống, nuôi lấy sữa) và heo (con giống, heo thịt); Nhóm sản phẩm thủy sản là tôm nước lợ. Riêng cá cảnh được xác định là nhóm sản phẩm có tiềm năng.

Trong lĩnh vực công nghiệp, bảy nhóm sản phẩm chủ lực bao gồm: Nhóm sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (khuôn mẫu chính xác cao, kết cấu thép siêu trường, siêu trọng, đúc phôi chi tiết máy, chi tiết máy, linh kiện tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao); Nhóm sản phẩm thiết bị điện (thiết bị điện dây và cáp điện); Nhóm sản phẩm từ nhựa và cao-su (bao bì đa lớp, nhựa gia dụng, nhựa xây dựng - giao thông, nhựa kỹ thuật, săm lốp xe, cao-su kỹ thuật, nệm cao-su các loại); Nhóm sản phẩm thực phẩm chế biến (sữa và sản phẩm từ bơ sữa, sản phẩm ăn liền, sản phẩm gia vị, thực phẩm chế biến, thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, bánh kẹo các loại, sản phẩm chế biến từ tinh bột); Nhóm sản phầm đồ uống (nước giải khát và nước khoáng đóng chai); Nhóm sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin (sản phẩm phần cứng, phần mềm và nội dung số); Nhóm sản phẩm trang phục may sẵn (trang phục công sở, Jean, ka-ki, bộ com-lê…).

Thành phố cũng xác định rõ, nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực phải chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp thành phố và có xu hướng phát triển ổn định. Sản phẩm phù hợp điều kiện sinh thái, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất trên địa bàn và có khả năng cạnh tranh phát triển; phù hợp định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Có khả năng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, tạo sản phẩm đạt năng suất, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm có tiềm năng mở rộng thị trường sản xuất giống cung cấp cho thành phố và các địa phương khác; có điều kiện tham gia các chuỗi liên kết và cung ứng, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu; có lợi nhuận, giá trị tăng cao, có hiệu quả xã hội và giảm ô nhiễm môi trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Trung cho biết, hơn hai năm qua, thành phố đã triển khai đến nông dân gần 700 mô hình sản xuất, trong đó tập trung vào các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng rau, hoa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi… theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm giá thành, giảm ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, ngành công nghiệp thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi giá trị gia tăng của khu vực này ước tăng bình quân hằng năm khoảng 7 đến 7,5%. Trong chín tháng năm 2018, ngành công nghiệp thành phố tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018 và thực tế, ngành công nghiệp thành phố vẫn còn tiềm năng và dư địa phát triển rất lớn.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Ðông, lượng doanh nghiệp khu vực bán lẻ trên địa bàn thành phố tăng trưởng bình quân 10,87%/năm, góp phần làm tăng cầu đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Ðến nay, thành phố đã phát triển được 239 chợ, 216 siêu thị, 44 trung tâm thương mại và 2.065 cửa hàng tiện lợi. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch đúng định hướng, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, sản phẩm chế biến chiếm 77,89% tổng kim ngạch (không kể dầu thô). "Từ nay đến năm 2025, dự báo tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ của thành phố là từ 11,6 đến 12,5%/năm. Thành phố đã xây dựng danh mục sản phẩm chủ lực và theo đó là các chính sách hỗ trợ phù hợp để phát triển nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố đủ sức lan tỏa, dẫn dắt thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu", ông Nguyễn Phương Ðông cho biết thêm…

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Công thương, Sở NN và PTNT thành phố tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chủ lực của thành phố gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đồng thời phát triển các sản phẩm tiềm năng thành các sản phẩm chủ lực. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chủ lực của thành phố để kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ.

Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất bổ sung danh mục nhóm sản phẩm dịch vụ chủ lực ở bốn ngành gồm: Khách sạn - nhà hàng, ăn uống; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; giải trí nhằm góp phần khắc họa rõ nét hơn về các thế mạnh của thành phố. Sở Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì phối hợp Sở Công thương, Sở NN và PTNT thành phố xây dựng chương trình đổi mới công nghệ cho một số doanh nghiệp lớn của thành phố gắn với các sản phẩm chủ lực và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo sự vượt trội về năng suất lao động…

Quốc Bảo