0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nâng tầm nông sản Việt

04/09/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Nâng tầm nông sản Việt
Tính đến nay đã hơn 7 năm kể từ ngày Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư số 03 và số 74 quy định việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản và nông lâm sản nhưng con số sản phẩm được dán tem chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong nỗ lực nâng cao giá trị nông sản, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã cố gắng xây dựng chỉ dẫn địa lý như một bước đi về thương hiệu chất lượng sản phẩm. Trái cây là mặt hàng được chú trọng nhiều nhất, gồm: Chôm chôm Chợ Lách, dừa xiêm xanh, bưởi da xanh Bến Tre, xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Đồng Tháp, quýt đường Trà Vinh... Một số sản phẩm truyền thống địa phương của vùng đã xây dựng chỉ dẫn địa lý là nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) hay nhãn hiệu tập thể như mắm thái Châu Đốc (An Giang). Riêng với gạo, đến nay các tỉnh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với gạo nàng thơm Bảy Núi (An Giang), gạo Một bụi đỏ (Bạc Liêu) và nhiều thương hiệu địa phương dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận như: Gạo Nàng thơm Chợ Đào (Long An), gạo thơm Sóc Trăng...Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cả vùng ĐBSCL chỉ có bưởi Năm Roi Mỹ Hòa được Viettel đồng ý dán tem điện tử của tập đoàn xác thực nguồn gốc cho thương hiệu nổi tiếng này. Hay như tại TPHCM, hiện chỉ có chương trình Truy xuất nguồn gốc điện tử thịt heo theo Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo do Sở Công thương phối hợp với Công ty TNHH Chế tạo máy và dịch vụ công nghệ cao TE thực hiện, là nổi bật nhất.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), truy xuất nguồn gốc đang là yêu cầu phổ biến đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Nguyên nhân bởi sự quan tâm của người tiêu dùng không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã mà còn bao gồm cả các thông tin liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm đến khách hàng cuối cùng, đặc biệt với những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe như dược phẩm, thực phẩm, đồ uống... Như vậy, vấn đề đặt ra là vì sao việc triển khai truy xuất nguồn gốc trong thực tế quá chậm, đâu là nguyên nhân?

Theo các chuyên gia, khó khăn của truy xuất nguồn gốc hiện nay là kỹ thuật truy vết và kết nối thông tin để truy xuất là vấn đề nhà cung cấp dịch vụ phải phối hợp với doanh nghiệp mới có thể làm được, như tem điện tử, các loại mã nhận diện, phần mềm... Sau đó, nhận thức của người tiêu dùng cũng như thói quen của người tiêu dùng cũng cần phải thay đổi. Trên thực tế, sau khi có sự cố về chất lượng sản phẩm xảy ra, các cơ quan chức năng mới yêu cầu các đơn vị truy vết nguồn gốc của sản phẩm. Đây cũng chính là lý do mà các chuyên gia cho rằng, điều này đi ngược với xu thế trên thế giới, gây khó khăn cho nông dân Việt Nam, khi mong muốn đưa nhiều nông sản vào các chuỗi siêu thị hoặc xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc mới chỉ triển khai thí điểm ở một số địa phương và thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM; các bộ, ngành và cơ quan có liên quan chưa có quy định, hướng dẫn thống nhất; Tem truy xuất nguồn gốc áp dụng trên các sản phẩm hiện nay không được chuẩn hóa về nội dung và hình thức, người tiêu dùng không thể phân biệt giữa tem truy xuất nguồn gốc với các loại dấu hiệu nhãn khác; các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể.

Vấn đề đặt ra là việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là việc cả thế giới đã làm, EU đã có tiêu chuẩn chung và Việt Nam cũng đã ban hành nghị định, chỉ thị. Khi hội nhập ngày càng sâu vào thế giới, Việt Nam sẽ phải chấp nhận tất cả các “luật chơi”, trong đó có cả việc đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Đối với xuất khẩu nông thủy sản, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ngoài việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn đảm bảo tính cam kết về sự minh bạch cũng như chịu trách nhiệm về thông tin của nhà sản xuất công bố trên nội dung mã truy xuất nguồn gốc. Các thông tin về truy xuất hàng hóa sẽ giúp xóa đi mặc cảm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về dòng sản phẩm Việt Nam có chất lượng chưa cao hay chưa tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế, là điều cần thiết và xu thế chung của thế giới. Khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa xuất khẩu, chúng ta cũng đã tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá trị chung - một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này nhận định.

Hiện tại, để thúc đẩy nhanh quá trình này, Bộ KH-CN đã trình Chính phủ dự thảo Đề án tổng thể về triển khai, áp dụng và quản lý tem truy xuất nguồn gốc với mục tiêu cụ thể là triển khai thực hiện việc áp dụng tem truy xuất nguồn gốc đối với 3 nhóm sản phẩm, hàng hóa trong nước gồm: Nhóm các sản phẩm y tế; Nhóm sản phẩm nông sản thực phẩm và nhóm sản phẩm công nghiệp nhẹ. Hy vọng sau khi đề án được triển khai, nông sản hàng hóa nói riêng và sản phẩm Việt Nam sẽ từng bước được nâng cao chất lượng, đáp ứng niềm tin cho người tiêu dùng và xuất khẩu hiệu quả!

HÀM LUÔNG