Theo các doanh ngiệp vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để, nhất là “nút thắt” về thủ tục hành chính.
Tìm kiếm giải pháp phát triển ngành công nghiệp, xây dựng các thương hiệu mạnh và sản phẩm chủ lực cho Tp. Hồ Chí Minh là nội dung chính được các doanh nghiệp đề cập trong chương trình trao đổi với lãnh đạo thành phố nhân kỷ niệm 2 năm chương trình Cà phê Doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệpTp. Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức, ngày 4/8.
* Tháo gỡ “nút thắt” thủ tục hành chính
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Chương trình Cà phê Doanh nhân do HUBA khởi xướng đã trả qua 2 năm đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc kết nối với lãnh đạo và các sở, ngành thành phố để kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Thông qua chương trình và các hội nghị gặp gỡ giữa doanh nghiệp với lãnh đạo thành phố, nhiều vấn đề của doanh nghiệp đã được lãnh đạo thành phố lắng nghe, giải quyết kịp thời.
Tuy nhiên, theo các doanh ngiệp vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để, nhất là “nút thắt” về thủ tục hành chính. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA cho biết, các doanh nghiệp đánh giá tình hình cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, nhưng chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, chưa tạo ra sự thông thoáng trong môi trường đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt là các thủ tục về xây dựng, đất đai rất phức tạp, kéo dài, thậm chí nhiều doanh nghiệp không nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng. Về nguồn vốn, tuy thành phố đã có chương trình vốn kích cầu, nhưng doanh nghiệp vẫn than phiền về thủ tục vay quá phức tạp và rất ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín chấp.
Ông Chu Tiến Dũng cũng đề cập tới vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp trong nước đang chịu sự cạnh tranh rất mạnh từ doanh nghiệp FDI có nguồn lực tài chính, thị trường và thương hiệp rất mạnh. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chi phối hệ thống bán lẻ trong nước khiến hàng hóa Việt Nam rất khó tiếp cận và phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng ngoại nhập. Trong khi đó, tình trạng gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả chưa được ngăn chặn triệt để ảnh hưởng đến uy tín cũng như doanh thu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trước thực tế đó, Hiệp hội Doanh nghiệp đề xuất thành phố cần tiếp tục đổi mới cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch hơn, dễ tiếp cận hơn, đơn giản hóa, loại bỏ những thủ tục, quy trình thừa. Việc cải cách thủ tục hành chính nên lấy doanh nghiệp làm trung tâm, mục tiêu là tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển, thay vì chỉ chú ý tới việc làm thế nào để dễ quản lý, giám sát doanh nghiệp. Thành phố cũng cần thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng về việc không kiểm tra doanh nghiệp quá hai lần trong một năm, tạo điều kiện để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Liên quan tới vấn đề tiếp cận nguồn vốn, các doanh nghiệp đề xuất thành phố có giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa các thủ tục vay vốn kích cầu để doanh nghiệp có thể tiếp cận, sử dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, thủ tục hành chính đang là vấn đề gây cản trở, khó khăn lớn nhất cho doanh nghiệp hiện nay. Kết quả thăm dò của UBND Thành phố đối với 100 doanh nghiệp thì có tới hơn 60% doanh nghiệp tham phiền về thủ tục hành chính, gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố cùng các sở, ngành sẽ sớm rà soát lại hệ thống các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
* Hiến kế cho sự phát triển thành phố
Đối với mục tiêu nâng cao chất lượng phát triển ngành công nghiệp của thành phố, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, muốn phát triển ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo thì phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Có như vậy mới đảm bảo ngành công nghiệp đi vào chiều sâu, hình thành được chuỗi liên kết trong cung ứng – sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, từ đó đưa sản phẩm Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiệp hội doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh kỷ niệm 2 năm Cà phê Doanh nhân và tổ chức chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp hiến kế phát triển công nghiệp, xây dựng thương hiệu và sản phẩm chủ lực cho thành phố. Ảnh: TTXVN
Hiệp hội doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đề xuất, thành phố cần tái cấu trúc lại các khu công nghiệp theo hướng giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, tăng tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời sớm công bố kế hoạch sử dụng diện tích đất chuyển đổi để doanh nghiệp nắm bắt và có hướng đầu tư hợp lý.
Liên quan tới xây dựng thương hiệu mạnh, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh nêu quan điểm, quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp có vốn nhà nước là điều rất bình thường, nhưng thực tế các thương vụ sáp nhập thời gian qua, câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam có nhiều Tập đoàn lớn, song khi doanh nghiệp đặt vấn đề bán cổ phần không ai mua.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng mua với giá cao để hoàn thiện chuỗi cung ứng của họ? Và sau khi bán rất nhiều thương hiệu lớn như Vinamilk, Sabeco thì các khoản tiền đó được sử dụng như thế nào vào việc phát triển đất nước? Phải trả lời được những câu hỏi đó thì mới có động lực để tiếp tục xây dựng các thương hiệu mạnh trong thời gian tới vì nếu xây dựng thương hiệu mạnh chỉ để bán mà không mang lại lợi ích thiết thực cho kinh tế đất nước thì không ai muốn xây dựng thương hiệu.
Về sản phẩm chủ lực của thành phố, ông Nguyễn Hoàng Ngân cho rằng, phải xác định theo từng giai đoạn và có sự đánh giá đầy đủ ở cuối giai đoạn để xem việc phát triển sản phẩm chủ lực có thành công hay không, từ đó có giải pháp lựa chọn sản phẩm chủ lực phù hợp cho giai đoạn mới.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food cho rằng, việc lựa chọn sản phẩm chủ lực của cho thành phố cần gắn liền với các tiêu chí cụ thể như sản phẩm tạo ra được xu hướng tiêu dùng mới. Sản phẩm chủ lực phải góp phần tạo ra chuỗi giá trị mới, nâng cao giá trị gia tăng cho người tiêu dùng và thay thế được hàng ngoại nhập.
Việc lựa chọn sản phẩm chủ lực không nên chỉ tập trung vào các sản phẩm của doanh nghiệp có quy mô lớn mà phải có cả những sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan trọng nhất là nên chọn những sản phẩm có khả năng thúc đẩy sự phát triển cho các ngành công nghiệp khác để tạo hiệu ứng lan tỏa. Thành phố cũng cần có giải pháp đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực đến gần hơn với người tiêu dùng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho rằng, việc lựa chọn sản phẩm chủ lực của thành phố không nhất thiết là sản phẩm đã nổi tiếng mà phải là những sản phẩm có thể tạo ra định hướng tiêu dùng mới trong tương lai. Quan trọng hơn là sản phẩm chủ lực phải đạt chất lượng theo các tiêu chuẩn cụ thể, được sản xuất trên công nghệ hiện đại.
Trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ, ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu khẳng định, muốn có sản phẩm chất lượng không còn cách nào khác là ứng dụng khoa học công nghệ, nhưng chính các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp phải loay hoay để lựa chọn công nghệ phát triển phù hợp, trong khi kinh phí cho hoạt động nghiên cứu phát triển còn hạn chế. Doanh nghiệp tạo ra sản phẩm công nghệ phải tự tìm kiếm thị trường đầu ra và phần lớn doanh nghiệp Việt còn e dè với việc chuyển đổi công nghệ.
Ông Tuấn đề xuất Chính phủ và Tp. Hồ Chí Minh cần đi tiên phong trong việc công bố và phổ biến chiến lược, chính sách quốc gia về khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đổi mới sáng tạo; trong đó nêu rõ cần tập trung vào các công nghệ cốt lõi nào cũng như có các chính sách hỗ trợ chi phí và đẩy mạnh các hoạt động liên kết cung cầu, tạo thị trường đầu ra cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin.
Bà Nguyễn Minh Hương, Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Vàng cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay chỉ mới quan tâm tới đổi mới công nghệ sản xuất, nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp tận dụng các thành tựu công nghệ sẵn có vào việc quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp, sản phẩm của mình.
Theo đó, việc sử dụng công nghệ đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược, tầm nhìn dài hạn. Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh cũng nên xây dựng Quỹ đầu tư phát triển thương hiệu để làm cầu nối tập hợp những người có kinh nghiệm, chuyên môn hỗ trợ thành phố xây dựng và quảng bá các thương hiệu mạnh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh đánh giá cao những đóng góp, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp thành phố; đồng thời nhấn mạnh mặc dù là trung tâm kinh tế của cả nước, nhưng nguồn lực lớn nhất của Tp. Hồ Chí Minh không phải là tài chính mà là 5 triệu lao động đang làm việc, cống hiến cho thành phố. Vì vậy, muốn phát triển ngành công nghiệp, xây dựng thương hiệu hay sản phẩm chủ lực của thành phố phải phát huy và sử dụng hiệu quả sự sáng tạo của nguồn lực con người, đặc biệt là sự sáng tạo của đội ngũ doanh nhân.
Việc phát triển kinh tế nói chung, phát triển công nghiệp, xây dựng thương hiệu, sản phẩm chủ lực của thành phố trong thời gian tới nói riêng phải được xã hội hóa. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại rất nhiều thời cơ và thách thức cho doanh nghiệp, cần đẩy mạnh việc liên kết hợp tác giữa các địa phương trong nước cũng như mở rộng hợp tác quốc tế.
Thể hiện quyết tâm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố tập hợp 10 vấn đề trọng tâm mà các doanh nghiệp thành phố đang gặp phải để lãnh đạo thành phố giải quyết dứt điểm trong năm 2018, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa trong việc xử lý những bất cập về mặt cơ chế, điều hành, tạo động lực cho doanh nghiệp hoạt động, đóng góp vào sự phát triển của thành phố./