Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ động triển khai mạnh mẽ cơ chế từ tiền kiểm sang hậu kiểm với 93% loại sản phẩm cụ thể do Bộ quản lý. Để tìm hiểu rõ vấn đề PV đã có buổi trao đổi trực tiếp với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) - Nguyễn Hoàng Linh, xoay quanh công tác kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ KH&CN
Ông có thể cho biết những thành tựu cụ thể của Bộ KH&CN trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thời gian qua?
- Thời gian qua, theo tinh thần của Nghị quyết 19/2017/NQ-CP; (Nghị quyết 19); Nghị quyết 75/NQ-CP (Nghị quyết 75) của Chính phủ phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương trong việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ đã chủ động, đi đầu trong nghiên cứu, đề xuất, triển khai áp dụng mạnh mẽ cơ chế “hậu kiểm”; tham mưu Chính phủ nhiều văn bản pháp lý liên quan đến công tác đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, chủ động ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16.6.2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN ngày 12.12.2012 quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN để chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa (với 93% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS) do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm.
Cụ thể đã cắt giảm từ 24 nhóm sản phẩm, hàng hóa (với 299 loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS) phải kiểm tra trước thông quan xuống còn 2 nhóm sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra (tương ứng với 20 loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS) là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).
Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN đã giúp cắt giảm khoảng 96% số lô hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN phải kiểm tra trước thông quan. Ngoài ra, ngày 8.12.2017, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 3482/QĐ-BKHCN công bố sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN, trong đó đã quy định cụ thể tất cả các nhóm sản phẩm, hàng hoá có mã HS đầy đủ, xác định rõ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) tương ứng, văn bản quy phạm pháp luật quản lý và biện pháp quản lý đối với từng chủng loại sản phẩm, hàng hóa.
Thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, ngay từ tháng 10.2017, các văn bản pháp lý trên đã được thực thi và có hiệu lực thi hành với việc chuyển 93% sản phẩm hàng hóa từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thời gian thông quan hàng hóa tối đa trong 24 giờ, điều nay hoàn toàn đáp ứng và vượt mục tiêu của Chính phủ đặt ra theo chỉ tiêu ASEAN +4 là 90 giờ.
Đây có thể xem là sự nỗ lực rất lớn của Bộ KH&CN xét về tính chủ động, cũng như vượt mức thời gian quy định bởi thời hạn Chính phủ giao cho các Bộ đến tháng 6.2018 phải hoàn thiện nhưng đối với Bộ KH&CN như trên đã đề cập, các văn bản pháp lý liên quan đã có hiệu lực từ tháng 10.2017.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN còn tham mưu cho Chính phủ một loạt các cơ chế chính sách để xử lý những vướng mắc cho các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, cụ thể là: Xử lý sự chồng chéo trong việc kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg (Quyết định 50) của Thủ tướng Chính phủ tại các doanh nghiệp; tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 37/2017/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 (Quyết định 37) nhằm hủy bỏ Quyết định 50 trong đó cắt giảm 114 sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành.
Ngoài ra, Bộ còn trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15.5.2018 (Nghị định 74) ban hành trong tháng 5.2018, trong đó quy định rõ cách thức hậu kiểm, cách thức quản lý hàng hóa theo mức độ rủi ro, tức là từ mức rủi ro thấp, trung bình đến đến mức rủi ro cao. Sản phẩm hàng hóa nào có độ rủi ro cao thì sẽ có mức quản lý chặt, và ngược lại hàng hóa nào có mức độ rủi ro vừa hoặc thấp thì sẽ có mức quản lý phù hợp hơn cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhưng vẫn có cơ chế để kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra hàng hóa nhập khẩu cũng đã được đơn giản hóa thông qua việc xem xét hoạt động công bố hợp quy của Doanh nghiệp. Do đó, thời gian kiểm tra chuyên ngành có thể rút xuống còn 1 ngày, thậm chí còn thấp hơn. Điều này, đã tháo gỡ rất lớn các khó khăn, vướng mắc của Doanh nghiệp trong thời gian qua và chắc chắn cắt giảm rất nhiều chi phí cho Doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động này.
Ông có chia sẻ gì tại buổi làm việc của Đoàn Bộ với Tổ Công tác của Chính phủ vừa diễn ra ngày 30.5 vừa qua?
- Với tư cách là thành viên trong Đoàn Bộ KH&CN báo cáo về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh. Bản thân tôi rất vui mừng khi báo cáo của Bộ KH&CN được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao, ghi nhận những nỗ lực, kết quả triển khai của Bộ trong thời gian qua. Đặc biệt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá Bộ KH&CN là một trong những Bộ đi tiên phong trong việc kiểm tra chuyên ngành, tiên phong trong hoạt động đổi mới cơ chế kiểm tra hàng nhập khẩu với mục đích tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, công cuộc đổi mới của Bộ sẽ không dừng lại ở những kết quả trên, Bộ KH&CN sẽ vẫn tiếp tục triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 75, Nghị quyết 19 của Chính phủ trong việc thống nhất, rà soát điều kiện kinh doanh. Đồng thời, phấn đấu trình Chính phủ Nghị định sửa nhiều Nghị định để cắt giảm tiếp các điều kiện kinh doanh sớm hơn thời gian dự kiến theo tinh thần của Nghị quyết 19.
Vậy liệu việc đẩy mạnh cơ chế từ tiền sang hậu kiểm sẽ tăng khả năng rủi ro về chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng tới người tiêu dùng không, thưa ông?
- Khả năng xảy ra rủi ro đương nhiên sẽ là nhiều hơn so với tiền kiểm. Tuy nhiên, khả năng đó có xảy ra nhiều hay không thì còn phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của cả doanh nghiệp. Chính vì vậy, cơ chế hậu kiểm cũng sẽ được áp dụng rất linh hoạt. Trường hợp doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm về chất lượng trong quá trình hậu kiểm sẽ có thể bị xử phạt mạnh đồng thời xem xét áp dụng cơ chế tiền kiểm và ngược lại, nếu hậu kiểm chứng minh doanh nghiệp có lịch sử chất lượng tốt, doanh nghiệp có thể được miễn giảm kiểm tra. Với tinh thần như vậy, Bộ cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Nghị định 119) quy định rõ các hành vi, vi phạm sản phẩm hàng hóa gây mất an toàn cho cộng đồng thì mức xử phạt đã được nâng lên, thậm chí nâng lên theo số lượng hàng hóa vi phạm.
Trong quá trình triển khai, công tác kiểm tra chuyên ngành đã gặp những khó khăn, vướng mắc gì?
- Một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay có thể kể đến là khối lượng công việc rất lớn trong việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ ngành theo dõi nhóm sản phẩm hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn (hàng hóa nhóm 2). Cùng với khối lượng công việc lớn như vậy, việc chủ động tổ chức, nghiên cứu, đề xuất, phối hợp với các Bộ ngành để rà soát các biện pháp quản lý đối với sản phẩm hàng hóa nhóm 2 là không dễ dàng gì.
Thêm vào đó, với phạm vi rộng ở khắp các bộ ngành trên toàn quốc, tinh thần đổi mới và triển khai theo cơ chế mới được ban hành cần được phổ biến và triển khai đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức làm về kiểm tra chuyên ngành ở 63 tỉnh thành theo tinh thần của Nghị quyết 75, Nghị quyết 19. Tôi cho rằng đây cũng có thể là những khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Công tác kiểm tra chuyên ngành khi đi sâu vào thực tiễn còn phát sinh “muôn hình, vạn trạng” tình huống. Khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đến từ cả các bất cập trong các văn bản, quản lý; thái độ, ý thức, trình độ chuyên môn của cán bộ công chức, viên chức và đôi khi còn xuất hiện từ cả ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Điều này cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các Bộ, ngành để đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành đáp ứng được tinh thần Chính phủ kiến tạo đã đề ra.
Như vậy Bộ sẽ tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu?
- Đúng như vậy. Hiện nay, điều kiện kinh doanh được quy định ở nhiều lĩnh vực khác nhau của Bộ như: An toàn bức xạ hạt nhân, sở hữu trí tuệ; đánh giá thẩm định công nghệ, TĐC. Bộ đã có phương án và lộ trình cắt giảm điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực KH&CN. Tôi cho rằng, sắp tới chúng ta có thể có Nghị định sửa nhiều Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh của ngành KH&CN.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục triển khai Nghị định 74 và Nghị định 119 của Chính phủ, dựa trên tình hình thực tế để qua đó tháo gỡ khó khăn đối với hàng hóa hậu kiểm, đặc biệt là việc hỗ trợ cơ quan ban ngành, địa phương. Đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát hàng hóa hậu kiểm, đánh giá, xem xét sự tuân thủ của doanh nghiệp đối với các nhóm hàng hóa chuyên ngành. Qua đó sẽ có đánh giá, đề xuất cụ thể trong việc cải cách các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!