Những điểm bất hợp lý trong quy định, Thông tư 24, 25 và Nghị định 15 liên quan đến vấn đề kiểm tra, kiểm soát thực phẩm dinh dưỡng được các doanh nghiệp nêu tại Hội thảo “Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, cải cách quy định và thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư phối hợp Dự án GIG của Cơ quan phát triển Hoa Kỳ tổ chức ngày 11-6, tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Vũ Quốc Tuấn, đại diện Tiểu Ban thực phẩm dinh dưỡng đề cập đến thủ tục kiểm tra, kiểm dịch động vật đối với những sản phẩm có chứa sữa và thành phần từ sữa. Theo ông Tuấn, quy định của Thông tư 25 năm 2016 và Thông tư 24 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sản phẩm từ sữa đều phải qua kiểm dịch động vật. Quy định này đã mở rộng quá mức, ngay cả đối với những sản phẩm sữa đã qua xử lý nhiệt, vi khuẩn chết hết mà vẫn chịu kiểm dịch, dẫn đến đến tình trạng các công ty sản xuất sữa bột cho trẻ em đã kiểm tra đóng hộp rồi nhưng vẫn phải mở hộp ra để cơ quan chức năng kiểm tra lần nữa.
Đến những sản phẩm bánh quy có chứa ít sữa cũng buộc phải đem đi kiểm dịch động vật. Trong khi đó, Tổ chức Thú y thế giới và Ủy ban thực phẩm quốc tế Codex đều nhận định, chỉ kiểm tra sản phẩm sữa dưới dạng sữa tươi hoặc qua sơ chế. Trong Nghị quyết 19 cũng có quy định về vấn đề này và thể hiện trong Thông tư 24 và 25 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do đó, ông Tuấn mong cơ quan này khắc phục kịp thời vấn đề này.
Đối với muối i-ốt, ông Tuấn cho rằng, việc bổ sung muối i-ốt vào thực phẩm là chủ trương đúng, nhưng bắt buộc sử dụng trong tất cả các quy trình chế biến thực phẩm thì cần phải xem lại. Bởi vì trên thực tế, i-ốt là một chất rất dễ bay hơi, trong khi đó, quy định hiện nay buộc phải đưa vào quy trình chế biến thực phẩm, nhưng các quy trình này đều phải gia nhiệt nên sẽ khiến i-ốt bay hơi hết và công sức tiền của đều là lãng phí. Một số nước hiện nay họ có quy định không sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm như Nhật, Australia…
Do đó, ông Tuấn kiến nghị cần xem lại quy định, quy trình bổ sung vào thực phẩm chế biến: “Đề xuất của chúng tôi là áp dụng có chọn lọc, có tính đến quy trình sản xuất của doanh nghiệp với việc sử dụng muối i-ốt và chúng tôi mong muốn ngành y tế có biện pháp tuyên truyền giáo dục để người dân có thể sử dụng đúng muối i-ốt trong quá trình chế biến thực phẩm”.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc cũng cho rằng, vấn đề này liên quan rất nhiều trong chế biến và quản lý, do đó quy định cần được xem lại. Nêu một số điểm bất hợp lý hiện nay trong Nghị định 15, bà Minh cho biết, sau khi có Nghị định 15, doanh nghiệp phải tự kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm, họ lờ chất lượng đi thì doanh nghiệp không cần kiểm tra, thậm chí người ta công bố nhưng không cần kiểm.
“Chính vì lờ chất lượng đi nên doanh nghiệp chỉ kiểm tra an toàn thực phẩm, an toàn chỉ có mấy chỉ tiêu như: nồng độ, kim loại nặng, vi sinh, độ đạm, các chất vitamin… Tôi nghĩ an toàn phải đi kèm với chất lượng, an toàn sức khỏe cho con người nhưng chất lượng liên quan đến dinh dưỡng, sức khỏe của giống nòi”, bà Minh nêu.
Về vấn đề này ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia Dự án GIG của Cơ quan phát triển Hoa Kỳ cũng nhìn nhận: “Điều 24 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định, người sản xuất thông báo sản phẩm của mình, tức là công bố hợp quy chuẩn và chỉ ghi đúng một người là người sản xuất. Như vậy, nếu đặt hai điều này liền nhau chúng ta có thể hiểu theo như tinh thần của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thì người có trách nhiệm công bố hợp quy là người sản xuất chứ không phải là người nhập khẩu".
Theo ông Bình, trong bốn năm liên tiếp từ 2014-2017, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt của Nghị quyết 19 là vấn đề thủ tục hải quan, cải cách toàn diện các quy định quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, nhằm cải thiện chỉ số thương mại qua biên giới Việt Nam.
Với quyết tâm thực hiện Nghị quyết 19, Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cạnh tranh quốc gia. Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, năm 2017, năng lực quốc gia tăng năm bậc so năm 2016, từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế; môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được đến nay.