Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp thực phẩm không phải kiểm định sản phẩm định kỳ. Tuy nhiên, quá trình thanh tra (hậu kiểm) các doanh nghiệp sẽ được tăng cường và chặt chẽ hơn.
Ngày 7/6 tại TPHCM, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng 3 (Quatest 3) phối hợp với Saigon Co.op tổ chức hội thảo giới thiệu
Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Tại đây, bà Phạm Thị Xuân Hồng, Phó phòng cấp phép, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM, cho biết, Nghị định 15/2018/NĐ–CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018, đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, sản xuất. Riêng đối với
kết quả kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, Nghị định 15 không quy định doanh nghiệp phải kiểm định định kỳ.
Tuy nhiên, bà Hồng khuyên các doanh nghiệp nên kiểm định định kỳ sản phẩm của mình để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo bà Hồng, việc giảm thủ tục cho doanh nghiệp không có nghĩa công tác quản lý
ATTP sẽ bị buông lỏng. Trong quá trình Ban ATTP thanh tra, kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp, nếu có nghi ngờ về kết quả kiểm định, Ban thanh tra vẫn sẽ lấy mẫu đi kiểm định lại chất lượng. Các hồ sơ doanh nghiệp có kết quả kiểm tra đạt chất lượng sẽ được Ban ATTP thực hiện công bố trên website của Ban và trên Báo chí để đối tác của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng biết chọn lựa sử dụng.
“Thời gian tới, Ban Quản lý ATTP cũng sẽ tăng cường kiểm tra chặt chẽ hơn trong quá trình thanh tra (hậu kiểm) các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ kỹ càng, khi đoàn kiểm tra của Ban ATTP như thành phần nguyên liệu, xuất xứ, nhãn, kết quả kiểm nghiệm, điều kiện sản xuất,…”- bà Hồng nhấn mạnh.
Liên quan đến kiểm định định kỳ đối với chất lượng sản phẩm, ông Huỳnh Thanh Tuấn, Phó giám đốc quản lý chất lượng của Saigon Co.op , cho biết “Hiện nay, khi tiếp nhận sản phẩm của doanh nghiệp để cung ứng đến người tiêu dùng, Saigon Co.op đánh giá sản phẩm dựa vào các tiêu chuẩn của doanh nghiệp đưa ra. Tuy nhiên để phù hợp quy định của luật
an toàn thực phẩm Saigon Co.op cũng sẽ rà soát lại quy trình kiểm soát chất lượng an toàn sản phẩm”.
Tại Hội thảo, ông Đỗ Phạm Nhân Hòa, Trưởng phòng Chứng nhận sản phẩm của Quatest 3 cũng đã giới thiệu đến các doanh nghiệp phương thức chứng nhận chất lượng sản phẩm của Quatest 3 được thực hiện theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn,
công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.
Trong đó, ông Hòa nhấn mạnh đến Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất. Đây là phương thức có độ tin cậy cao trong đánh giá chứng nhận, có tính hệ thống và cho phép áp dụng việc giám sát linh hoạt. Phương thức này cũng là cơ sở cho việc thừa nhận lẫn nhau về kết quả chứng nhận. Đối tượng áp dụng chứng nhận theo phương thức 5 gồm: hàng hóa và cơ sở sản xuất (điều kiện đảm bảo chất lượng). “Quatest3 sẽ cấp giấy chứng nhận chất lượng cho doanh nghiệp, có giá trị hiệu lực trong 3 năm, áp dụng cho cả hàng sản xuất trong nước và hàng
nhập khẩu” - ông Hòa cho biết.
Ngoài ra, hội thảo còn giới thiệu đến các đại biểu phương thức đánh giá sự phù hợp theo lô hàng và đánh giá phục vụ công bố đối với thực phẩm (bao bì, sản phẩm, nguyên liệu cho doanh nghiệp); Các phương pháp thử nghiệm, phân tích đối với thực phẩm đang được Quatest3 áp dụng phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005…