0908.326.779 - 0906.362.707
 

Để các sản phẩm chủ lực có thể bứt phá

01/11/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Để các sản phẩm chủ lực có thể bứt phá
Chính quyền TPHCM đã chính thức công bố danh mục sản phẩm chủ lực của thành phố giai đoạn 2018-2020 - những sản phẩm này sẽ nhận được nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tạo sự bứt phá để đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế

Theo lời ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, tại hội nghị công bố sản phẩm chủ lực diễn ra hồi cuối tuần qua, việc công bố sản phẩm chủ lực đã khái quát bức tranh toàn cảnh ngành công nghiệp và nông nghiệp của thành phố, giúp chính quyền thành phố cũng như doanh nghiệp biết được các thế mạnh của mình để đầu tư có trọng điểm.

Trong lĩnh vực công nghiệp, những nhóm sản phẩm được chọn làm chủ lực gồm thiết bị điện, nhựa-cao su, thực phẩm chế biến, đồ uống, điện tử-công nghệ thông tin và trang phục may sẵn; trong khi thuốc, hóa dược và dược liệu được ghi nhận là nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng.

Với nông nghiệp, các doanh nghiệp được xác định có sản phẩm chủ lực phân bổ ở ba nhóm. Nhóm cây trồng có rau, hoa, cây kiểng; nhóm chăn nuôi có bò sữa (gồm con giống, sữa), heo (con giống, thịt); thủy sản có tôm nước lợ; trong khi cá cảnh được xác định là nhóm sản phẩm có tiềm năng.

Sản phẩm chủ lực phải đủ sức cạnh tranh

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết thành phố đã trải qua nhiều tháng, nhiều hội thảo lấy ý kiến từ các chuyên gia lẫn doanh nghiệp để lựa chọn sản phẩm chủ lực. Những doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực đều phải đáp ứng các tiêu chí chung và riêng cho từng lĩnh vực. Những tiêu chí chung như có giá trị gia tăng, năng suất cao; có thiết kế sáng tạo, tính ưu việt; đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; có khả năng thay thế, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu... Một tiêu chí rất quan trọng là phải có đóng góp lớn trong cơ cấu ngành, như giá trị sản xuất phải chiếm tỷ trọng từ 5% trở lên trong toàn ngành công nghiệp (dựa theo dữ liệu phân tích của Cục Thống kê). Riêng sản phẩm nông nghiệp chủ lực, ngoài việc chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe như có khả năng ứng dụng công nghệ cao, đạt năng suất, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... Hầu hết đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.

Việc đưa ra các tiêu chí nghiêm ngặt để đảm bảo đây là những sản phẩm đủ sức cạnh tranh, kể cả với các sản phẩm nhập khẩu. Vì thế, trong tổng số hàng trăm ngàn doanh nghiệp của TPHCM, chỉ có 77 doanh nghiệp ngành công nghiệp và 24 doanh nghiệp ngành nông nghiệp có sản phẩm đáp ứng đủ các tiêu chí.

Hỗ trợ 5 vấn đề lớn để tạo sự bứt phá

Việc công bố danh mục sản phẩm chủ lực được doanh nghiệp đánh giá là sẽ tạo động lực xây dựng nên các thương hiệu mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn mong muốn được nhận thêm nhiều sự hỗ trợ từ phía chính quyền.

Ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Đại Dũng, cho biết công ty vẫn chưa đủ kinh nghiệm quản lý cũng như năng lực để vươn ra thị trường thế giới. Ông mong muốn được chính quyền thành phố quan tâm hỗ trợ hơn nữa trong việc xúc tiến thương mại ra các thị trường nước ngoài, bên cạnh việc hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực...

Bà Trịnh Nguyễn Anh Thư, đại diện Hợp tác xã (HTX) Hoa lan Huyền Thoại (ở Củ Chi), cho biết khó khăn của HTX hiện nay là diện tích canh tác nhỏ lẻ và nằm rải rác. Bên cạnh đó, ngân hàng thẩm định giá trị tài sản ở mức thấp so với giá thị trường nên xã viên được vay rất ít. Bà kiến nghị chính quyền thành phố xem xét quỹ đất cho HTX thuê để mở rộng diện tích sản xuất. Đồng thời, HTX cần sự hỗ trợ kết nối với các nhóm doanh nghiệp cung ứng các vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu... (giúp HTX mua được sản phẩm giá rẻ, tiết kiệm được chi phí thì xã viên sẽ an tâm sản xuất) cũng như với các đối tác ở đầu ra của sản phẩm. Ngoài ra là sự hỗ trợ để HTX được tiếp cận nguồn vốn vay một cách thuận lợi và nhanh chóng.

Về phía chính quyền, ông Phạm Thành Kiên cho biết thành phố sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực ở 5 nhóm giải pháp gồm mặt bằng, cơ chế vốn, khoa học-công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu. Sự hỗ trợ này được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 16/2018 của HĐND TPHCM ban hành hôm 8-10, quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của thành phố giai đoạn 2018-2020. Đáng chú ý là việc hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực được hưởng lãi suất vay vốn ưu đãi để đầu tư nhà xưởng và công nghệ sản xuất mới với thời gian hỗ trợ là bảy năm, mức vốn vay tối đa cho một dự án là 200 tỉ đồng. Theo ông Kiên, đây là mức hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay của thành phố dành cho doanh nghiệp.

Về hỗ trợ mặt bằng, trong thời gian tới, thành phố sẽ tạo quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực bao gồm việc hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành, ưu tiên mặt bằng cho việc mở rộng sản xuất với giá thuê đất phù hợp.

Về nguồn nhân lực, thành phố cũng sẽ hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ví dụ định kỳ hàng quí, doanh nghiệp gửi nhu cầu về đào tạo nhân lực và các sở, ngành sẽ tổ chức các lớp đào tạo theo nhu cầu. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ được ưu tiên và hỗ trợ kinh phí tham gia các chương trình đào tạo nhân lực trong và ngoài nước do thành phố tổ chức.

Doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí tổ chức các gian hàng quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; được giới thiệu, quảng bá miễn phí trên các trang web của các sở chuyên ngành, các cơ quan xúc tiến thương mại của thành phố; được ưu tiên tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các doanh nghiệp, HTX có sản phẩm nông nghiệp chủ lực sẽ được vay vốn với sự hỗ trợ lãi suất từ 60-100%, tùy theo loại hình; được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực... Thành phố cũng nghiên cứu đầu tư thêm khu nông nghiệp công nghệ cao để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Để có những chính sách phù hợp, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chủ lực của thành phố để kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ, đồng thời xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình quảng bá, tiếp thị sản phẩm chủ lực. Ông Phong mong muốn các doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực ưu tiên liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ông cũng cam kết sẽ tạo điều kiện hỗ trợ, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Với những chính sách hỗ trợ được coi là lớn nhất từ trước đến nay của chính quyền TPHCM, cả chính quyền thành phố lẫn các doanh nghiệp đều kỳ vọng đây sẽ là đòn bẩy giúp các sản phẩm chủ lực có thể bứt phá để đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và nước ngoài, từ đó, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế TPHCM

Lê Anh