Vụ ngộ độc thực phẩm tại quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) một lần nữa, gióng lên hồi chuông cảnh báo vấn đề quản lý nguồn thực phẩm. Dù cơ quan chức năng đưa ra nhiều biện pháp, nhưng do mức phạt hành chính thấp, các thủ đoạn tinh vi của cơ sở sản xuất và cung cấp thực phẩm, sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng…, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn tràn lan.
Chưa được kiểm soát
Liên quan vụ ngộ độc thực phẩm ngày 28-10 khiến sáu người lớn và 49 trẻ em phải nhập viện tại quận Tân Phú, đến nay, ngành y tế TP Hồ Chí Minh và cơ quan chức năng liên quan chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính Công ty TNHH Đồng Tiến (quận Tân Phú) và Hộ kinh doanh thực phẩm Hà Trang (huyện Củ Chi) - hai đơn vị cung cấp bánh mì chà bông cho những người trên dùng gây ngộ độc sau đó. Kết quả kiểm tra của cơ quan liên ngành thành phố cho thấy, hai cơ sở này không bảo đảm đủ các điều kiện sản xuất, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) cũng đã hết hạn.
Vừa mua xong ổ bánh mì trên đường Kỳ Đồng (quận 3), chị Nguyễn Thị Chiên (ngụ đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3) cho hay, hằng ngày vẫn thường mua bánh mì chà bông ăn sáng cho cả gia đình tại các tiệm bán bánh mì mà không quan tâm nhiều đến vấn đề ATTP. Khi nghe về vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến bánh mì chà bông, chị mới lo ngại. “Từ trước đến nay, tất cả các loại thực phẩm ăn uống hằng ngày tôi đều mua mà không tìm hiểu nhiều về nguồn gốc, tiện đâu mua đó. Bây giờ đi chợ phải xem rõ nguồn gốc và mua tại các cơ sở, cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch và uy tín mới được”, chị Chiên quả quyết.
Có con trai từng bị ngộ độc thực phẩm phải nằm viện cả tuần, chị Nguyễn Hồng Thanh (quận Tân Phú) càng ý thức về tầm quan trọng của ATTP. Bị ngộ độc thực phẩm, đường tiêu hóa con trai chị mẫn cảm hơn đối với từng loại thức ăn. “Bây giờ, cả nhà tôi dùng nguồn thực phẩm đều rõ nguồn gốc, nhãn mác, sạch sẽ và luôn ăn chín uống sôi, không những vậy, trong một năm phải đi khám sức khỏe tổng quát hai lần”, chị Thanh cho biết.
Không ít vụ ngộ độc thực phẩm tập thể liên quan đến nguồn gốc thực phẩm quá hạn sử dụng, không bảo đảm các điều kiện về ATTP đã được cảnh báo từ cơ quan chức năng nhưng vẫn rất nhiều người dân lơ là. Thậm chí, nhiều người rất chủ quan khi mua những thực phẩm trôi nổi ngoài thị trường mà không quan tâm nhiều đến nguồn gốc xuất xứ.
Theo Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, thức ăn đường phố được bày bán tràn lan hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vì nguồn gốc thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hiện trên địa bàn thành phố có gần 47.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và khoảng 19.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Những hộ kinh doanh thức ăn đường phố cùng các hộ kinh doanh cá thể về sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống được phân cấp về cho các quận, huyện quản lý theo địa bàn. Kinh doanh thức ăn đường phố là mô hình rất đặc thù, có truyền thống lâu đời, tiện lợi và độc đáo, là sinh kế của nhiều cư dân đô thị. Tuy nhiên, với điều kiện môi trường, nhiệt độ, thói quen vệ sinh hiện nay, thức ăn đường phố tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Bên cạnh đó, nguồn cung cấp thực phẩm trong các trường học hiện nay cũng là tình trạng đáng lưu tâm. Đặc biệt, trong các loại hình cung cấp thức ăn cho học sinh thì số vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu rơi vào các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn bên ngoài. Theo Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, kết quả kiểm tra cho thấy, nhân viên của các cơ sở này chưa có kiến thức về bảo quản, chế biến thực phẩm, vẫn sử dụng nguyên liệu có chất cấm, phụ gia, nguyên liệu tồn dư hóa chất, nguyên liệu không rõ nguồn gốc để chế biến cho học sinh. Thời gian từ lúc chế biến đến khi sử dụng dài do cơ sở nhận cung cấp suất ăn cho nhiều trường, trong khi không có thiết bị bảo quản bảo đảm an toàn…
Trong khi đó, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi không bảo đảm ATTP thấp và không đủ sức răn đe, trong khi các thủ đoạn của các cơ sở sản xuất và cung cấp thực phẩm ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, sự quản lý chưa đồng bộ và còn lỏng lẻo của các cơ quan chức năng lẫn các quy định pháp luật chồng chéo, đang khiến cho công tác quản lý và xử phạt đối với lĩnh vực ATTP gặp nhiều khó khăn.
Cần tăng cường giải pháp an toàn thực phẩm từ những bữa ăn công nhân. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Gian nan kiểm soát
Để bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm thời gian tới, Phòng công tác học sinh - sinh viên (Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh) cho hay, công tác kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp sẽ được ngành giáo dục tổ chức thường xuyên, liên tục, đồng thời sẽ giới thiệu các mô hình, cơ sở cung cấp suất ăn an toàn, đạt chuẩn cho các trường học.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, đối với nguồn thức ăn đường phố, Ban Quản lý đã triển khai đến các quận, huyện các chuẩn cơ bản cho thức ăn đường phố. Một số quận, huyện cũng đã hình thành các tuyến phố tập trung thức ăn đường phố. Đồng thời, tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhiều hộ kinh doanh thức ăn đường phố và vận động trang bị các phương tiện bảo đảm vệ sinh trong chế biến, kinh doanh. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường về nguồn gốc thực phẩm, kiểm nghiệm nhanh về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của cả người bán và người mua.
Đối với nguồn thức ăn cho các trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp…, Ban Quản lý ATTP thành phố tập trung rà soát khâu cấp phép, bảo đảm 100% bếp ăn, căng-tin, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp có chứng nhận bảo đảm ATTP; mặt khác, kiểm soát kỹ nguồn gốc thực phẩm sử dụng để chế biến suất ăn cho học sinh và người lao động; gắn trách nhiệm kiểm soát các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Ngoài ra, Ban Quản lý ATTP cũng sẽ thanh, kiểm tra điều kiện ATTP tối thiểu từ hai đến ba lần/năm đối với các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn; sẽ xử lý nghiêm, rút giấy phép hoạt động đối với các cơ sở để xảy ra ngộ độc thực phẩm nhiều lần. Ban quản lý cũng sẽ triển khai dịch vụ hành chính công cấp độ ba, bốn cho các thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc cung ứng sản phẩm bảo đảm an toàn.
UBND TP Hồ Chí Minh vừa đề nghị UBND 24 quận, huyện và Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan yêu cầu các bếp ăn, căng-tin trong trường học, bếp ăn tại các Khu Chế xuất - Khu Công nghiệp, cơ sở dịch vụ ăn uống và các cơ sở cung cấp thức ăn phải sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, có truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thức ăn cho học sinh, công nhân; từng bước xây dựng lộ trình phải sử dụng các thực phẩm tươi sống bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dân.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chiến lược của thành phố là quản lý thực phẩm từ nguồn. Do 80% lượng thực phẩm tiêu thụ tại thành phố đến từ các tỉnh, thành khác nên quản lý từ nguồn ở đây là quản lý tại các chợ đầu mối. Thực phẩm tập trung ở một đầu mối trở nên dễ quản lý, kiểm soát và tạo sự an tâm cao, đồng thời giảm thiểu được rất nhiều nguy cơ mất ATTP.