0908.326.779 - 0906.362.707
 

Loay hoay nâng tầm vệ sinh thức ăn đường phố

12/11/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Loay hoay nâng tầm vệ sinh thức ăn đường phố
Dù các quy định đã có hiệu lực nhưng việc đưa thức ăn đường phố vào khuôn khổ vẫn còn khiến các cơ quan chức năng loay hoay. Bởi lẽ, khi ý thức của người bán hàng và người tiêu dùng chưa cải thiện thì công cụ pháp lý chỉ nằm trên giấy.
Quy định từ đâu, người dân chưa biết
 
Thức ăn đường phố với những tiện ích như giá rẻ, thuận lợi khi mua bán, tiết kiệm cả tiền bạc lẫn thời gian, đa dạng món ăn... đã trở thành đặc trưng trong văn hóa ẩm thực tại TP.HCM và các thành phố khác.
 
Tuy nhiên, loại hình này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bởi, việc buôn bán, kinh doanh bên đường, điều kiện vệ sinh hạn chế gia tăng tình trạng nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn khi thức ăn không được bảo quản lạnh nên dễ ôi thiu.
 
Chính vì thế, từ ngày 20/10 vừa qua, Nghị định 115/2018/NĐ-CP (thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP) đã chính thức có hiệu lực nhằm nâng cao xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Từ Nghị định này, các thành phố lớn như: TP.Hà Nội và TP.HCM đã triển khai.
 
UBND TP.Hà Nội đã ban hành văn bản để yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
 
Còn tại TP.HCM, theo ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, danh sách 10 tiêu chí kiểm soát thức ăn đường phố đạt tiêu chuẩn gồm: Nơi kinh doanh phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm; bày bán thức ăn trên bàn phải cách mặt đất 60cm, thức ăn phải được che đậy; người kinh doanh không được để lẫn trộn giữa thức ăn sống và thức ăn chín; bắt buộc có dụng cụ gắp thức ăn, găng tay dùng một lần khi chế biến thực phẩm...
 
Đi kèm các tiêu chí này là mức phạt tiền đã tăng lên đối với các hành vi vi phạm. Theo đó, người kinh doanh sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng nếu thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay;…
 
Người bán còn có thể bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng khi đang mắc các bệnh mà theo quy định không được trực tiếp kinh doanh thức ăn đường phố; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn;…
 
Nhưng trên thực thế, sau gần 1 tháng được áp dụng, Nghị định này vẫn còn xa lạ với nhiều người dân, kể cả người buôn bán lẫn người tiêu dùng thức ăn đường phố.
 
Chị Ngọc, chủ quán cháo lòng bà Út tại quận 1 (TP.HCM) cho biết: “Quán ăn của gia đình tôi đã buôn bán hơn 80 năm. Do đó, chúng tôi ý thức rất cao việc đeo bao tay khi buôn bán để giữ gìn thương hiệu. Nhưng thật sự tôi chưa nắm rõ các quy định mới”.
 
Ghi nhận tại khu chợ Thạch Đà (quận Gò Vấp, TP.HCM) vào sáng 9/11, PV quan sát thấy nhiều hàng quán đã đeo găng tay ni lông khi chế biến thức ăn nhưng phổ biến là chỉ đeo 1 tay.
 
“Thức ăn có bảo đảm sạch sẽ hay không chủ yếu phụ thuộc ý thức của người bán hàng. Vì tay đeo găng để bốc thức ăn xong lại tiện cầm nắm các thứ khác cũng không có tác dụng gì”, chị Lan (ngụ quận Gò Vấp) bình luận.
 
Anh Nam Thành (nhân viên văn phòng, quận Phú Nhuận) nhận xét: “Quy định mới cũng chưa cụ thể loại găng tay nào được dùng để bán thức ăn chín, thời gian dùng 1 đôi găng tay trong bao lâu… Bởi những găng tay loại ni lông tái chế thường có những hạn chế nhất định trong quá trình sử dụng”.
 
Chỉ xử phạt hành chính là chưa đủ
 
Thực tế cho thấy, những người buôn bán thức ăn đường phố hầu hết đều là tự phát, không có giấy phép, không giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, nguyên liệu sử dụng trong chế biến khó kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng.
 
Ngoài ra, đối tượng phục vụ của thức ăn đường phố là những người có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp, cho dù có ý thức sử dụng thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn nhưng túi tiền hạn chế nên họ ít có sự lựa chọn.
 
Các chuyên gia cho rằng, quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hay thức ăn đường phố để đạt được hiệu quả là một bài toán rất khó. Chuyên gia Vũ Thế Thành, hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, quy định có khó cỡ nào thì người bán vẫn đối phó được vì cơ quan chức năng không thể có mặt 24/24 để theo dõi, kiểm tra.
 
“Không phải cứ phạt là giải quyết được tất cả mối nguy lây nhiễm. Trước khi phạt phải giúp người bán có nhận thức về an toàn thực phẩm”, ông Vũ Thế Thành bày tỏ.
 
Đồng quan điểm, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp (Giám đốc trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) phân tích: “Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được dạy từ khi còn mẫu giáo, nhiều người dân có đầy đủ kiến thức nhưng khi ra ngoài đường lại xuề xòa, vẫn mua đồ ăn ở những hàng quán không đảm bảo vệ sinh. Số người lên tiếng nhắc nhở chủ quán về vấn đề vệ sinh rất ít nên người bán do vậy cũng lơ là việc vệ sinh”.
 
“Vì vậy, chính người mua cũng phải có ý thức tự bảo vệ mình. Nếu người mua có ý thức nhắc nhở người bán hàng không đeo găng tay hoặc không đảm bảo vệ sinh, thậm chí "tẩy chay" không mua, về lâu dài sẽ tạo hiệu ứng để người bán thay đổi thói quen”, bác sĩ Ngọc Diệp cho hay.
 
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cho biết: “Khó có thể đòi hỏi thức ăn đường phố về mức độ đảm bảo vệ sinh an toàn tốt như các nhà hàng. Tuy nhiên, loại hình này cũng phải có chuẩn an toàn trong phạm vi có thể chấp nhận được để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng”.
 
Chính vì thế, ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM sẽ tiến hành quản lý theo từng khu vực. Theo đó, mỗi quận huyện sẽ xây dựng các mô hình điểm kiểm soát điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố.
 
Các quận huyện sẽ lập các khu phố ẩm thực, tuyến đường kinh doanh, phường xã điểm trong kiểm soát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, sẽ có những tuyến đường không có thức ăn đường phố để từng bước quy hoạch vào các điểm bán tập trung nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo vệ sinh tốt hơn.
 
Bên cạnh công tác truyền thông, vận động để hỗ trợ trang thiết bị (găng tay, tạp dề, khẩu trang,…), khám sức khỏe định kỳ cho người bán thức ăn đường phố, ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM đang xây dựng dự thảo và lấy ý kiến để gắn logo cho các điểm kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh.
Hà Nhân