14/11/2018
4.6/5 trong 5 lượt Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Phụ nữ cũng chính là người chăm lo sức khỏe, cuộc sống gia đình thông qua bữa ăn hằng ngày. Do đó, việc nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của phụ nữ trong cuộc chiến với thực phẩm “bẩn” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 66.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm; 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp; 10 cơ sở giết mổ bán công nghiệp; hơn 1.000 điểm, hộ giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ; 22 trung tâm thương mại; 132 siêu thị; 544 chợ và 65 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trong năm 2017, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 111.166 lượt cơ sở, phát hiện 26.310 lượt cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm. Trong 8 tháng năm 2018, Hà Nội đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 75.262 lượt cơ sở, phạt tiền 1.012 cơ sở với số tiền hơn 18,5 tỷ đồng, tiêu hủy sản phẩm của 78 cơ sở...
Con số trên cho thấy, tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề “nóng”, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, thậm chí đến chất lượng giống nòi, nguồn nhân lực của dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với xã hội, những năm qua, Hội luôn chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các cấp hội vận động, tuyên truyền phụ nữ và nhân dân tham gia thực hiện an toàn thực phẩm. Nhờ đó, các mô hình như: “Tổ phụ nữ chế biến món ăn phục vụ sự kiện”, “nuôi gà an toàn”, “sản xuất chè sạch”, “quầy bán thức ăn chín bảo đảm an toàn thực phẩm”… đã được các hội viên xây dựng và tham gia tích cực.
Ngoài ra, các cấp hội chú trọng xây dựng mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm tại các làng nghề, ngành nghề sản xuất kinh doanh thực phẩm như: Bánh kẹo, giò chả, bún, miến... Đến nay đã xây dựng gần 100 điểm phân phối các sản phẩm thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Tại nhiều quận, huyện, thị xã, Hội Liên hiệp phụ nữ tại mỗi địa phương đã có những đóng góp tích cực cho cuộc chiến “nói không với thực phẩm bẩn”. Đơn cử như tại quận Long Biên, Hội Liên hiệp phụ nữ các phường đã tổ chức cho cán bộ, hội viên (là các bà nội trợ trong gia đình) tham quan chuỗi thực phẩm sạch tại huyện Thường Tín. Qua những hoạt động này nhằm tuyên truyền về tầm quan trọng của việc thực hiện các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân, kiến thức, sức khỏe của người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng.
Tương tự, tại huyện Gia Lâm, ngay từ năm 2017, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã chỉ đạo thành lập 3 chi hội thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm. Từ những chi hội này đã tuyên truyền xóa bỏ những hành vi không an toàn trong trồng cây ăn quả, bơm thuốc sử dụng đúng liều lượng, các danh mục thuốc cho phép có địa chỉ rõ nguồn gốc, hướng dẫn quy trình nhật ký theo dõi chăm sóc, bơm thuốc, hái quả…
Qua một năm thực hiện, các mô hình đều đạt kết quả tốt. Hiệu quả của các mô hình không những đem lại năng suất, chất lượng, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân mà quan trọng hơn là các mô hình có sức lan tỏa, nhân rộng và được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đánh giá và ghi nhận.
Tuy nhiên, trong công tác phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đội ngũ cán bộ hội không có chuyên môn về an toàn thực phẩm nên trong công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức chuyên ngành còn chưa được sâu, rộng.
Mặt khác, một số người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận vẫn cố tình sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn. Thêm vào đó, ý thức của một số người tiêu dùng vẫn còn “dễ dãi”, chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn để bảo đảm sức khỏe của bản thân và gia đình Xuân Lộc