Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xuất phát từ các suất ăn công nghiệp xảy ra tại nhiều địa bàn trên cả nước trong tháng 10 vừa qua một lần nữa cho thấy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm từ các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn vẫn đáng lo ngại. TP Hà Nội có nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp và nếu không được quản lý chặt chẽ, nhất là khâu kiểm soát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm, thì ngộ độc thực phẩm vẫn luôn là nỗi lo thường trực.
Nhập nhèm nguồn gốc thực phẩm
Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 4.256
bếp ăn tập thể, trong đó có 457
bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp. Trung bình mỗi bếp ăn phục vụ từ 80 đến 3.000 suất ăn/ngày. Dù công tác quản lý
vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể đã được tăng cường, song thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngộ độc thực phẩm là do điều kiện vệ sinh khu bếp không đạt, cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị,
dụng cụ không bảo đảm yêu cầu, nhận thức của người
chế biến còn hạn chế. Mặt khác, quá trình chế biến, vận chuyển chưa bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và đặc biệt là nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ…
Nếu như bếp ăn tập thể do doanh nghiệp tự nấu phục vụ nhân viên chỉ chiếm khoảng 20%, thì các đơn vị cung cấp dịch vụ
suất ăn công nghiệp, suất ăn sẵn cho các công ty, doanh nghiệp, trường học chiếm tới 80%. Qua khảo sát các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại các khu công nghiệp, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận thấy, có khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là do các suất ăn công nghiệp được chế biến từ nơi khác rồi đem đến phục vụ công nhân. Thế nhưng, khi kiểm tra, đa phần các đơn vị cung cấp suất ăn đều xuất trình được đầy đủ hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm, hợp đồng đơn vị cung cấp thực phẩm…
Bà Hà Linh Chi, đại diện Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh) cho biết, qua kiểm tra đơn vị nhận thầu bếp ăn của công ty thì họ đều có hợp đồng nhập thực phẩm rõ ràng. Tuy nhiên, công ty không thể kiểm soát được thực phẩm đầu vào có đúng nơi cung cấp như trong hợp đồng hay không. Thậm chí, công ty đã kiểm soát độ an toàn của thực phẩm bằng test kiểm tra nhanh, nhưng biện pháp này cũng không mang lại hiệu quả. Bà Hà Linh Chi kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát chặt, đồng thời có chế tài đủ mạnh đối với nhà cung cấp suất ăn công nghiệp để tránh trường hợp sử dụng giấy tờ “ma” để gian lận, hợp thức hóa sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ pháp lý để đánh giá chất lượng đơn vị cung ứng thực phẩm sẽ không chính xác. Bởi lẽ, tình trạng các doanh nghiệp nhỏ, lẻ liên kết với doanh nghiệp lớn về
sản xuất thực phẩm sạch để “làm đẹp” hồ sơ khá phổ biến…
Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Khánh Longcho biết, nhiều công ty đầu tư quy trình sản xuất thực phẩm khép kín, hệ thống máy móc hiện đại, nhà kho bảo quản đạt tiêu chuẩn để sản phẩm làm ra được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Thế nhưng, khi “chào hàng” tại các bếp ăn tập thể lại không mấy khi được lựa chọn, vì giá thành cao hơn thực phẩm trôi nổi ngoài thị trường.
Nâng cao vai trò của chủ doanh nghiệp
|
Đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội tiến hành xét nghiệm nhanh các khay đựng thức ăn tại một bếp ăn tập thể. |
Đề cập đến công tác quản lý bếp ăn tập thể, ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm,
thủy sản Hà Nội chia sẻ, đối với các mẫu vi phạm an toàn, vệ sinh thực phẩm, nhất là tồn dư các chất hóa học, cơ quan chức năng đều tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc. Tuy nhiên, việc này không đơn giản, vì đường đi của thực phẩm phải qua nhiều công đoạn, nhiều khâu trung gian. Hơn nữa, trong lĩnh vực nông nghiệp, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ còn nhiều. Theo quy định, đối tượng này chỉ phải ký cam kết sản xuất,
kinh doanh thực phẩm. Việc ký cam kết thì dễ nhưng giám sát và kiểm tra thực hiện mới là vấn đề lớn, đáng lưu tâm. Để kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm, ông Ngô Đình Loát đề nghị các địa phương kiểm tra thường xuyên hơn, xử lý nghiêm khắc hơn, thậm chí đề xuất khởi tố khi phát hiện sai phạm.
Còn theo ông Võ Việt Dũng, các cơ quan chức năng cần có những hỗ trợ cụ thể để giúp các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm theo chuỗi, được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm có thể tiêu thụ sản phẩm rộng rãi trên thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài, kiểm tra một cách thực chất, truy xuất đến cùng nguồn gốc thực phẩm để tránh tình trạng các nhà cung cấp thực phẩm “treo đầu dê, bán
thịt chó”.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể cũng xuất phát từ việc chủ doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến chất lượng bữa ăn công nhân. Có doanh nghiệp đã giao cho bộ phận nhân sự quản lý, nhưng bộ phận này lại ít khi kiểm tra hoặc nếu có cũng chỉ là hình thức. Một số doanh nghiệp liên kết với nhà thầu kinh doanh
dịch vụ ăn uống nấu tại chỗ, song lại chưa chủ động cùng khắc phục các điều kiện về cơ sở vật chất không bảo đảm tại bếp của đơn vị mình. Do đó, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, trước hết chủ doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến chất lượng bữa ăn của công nhân, tăng định mức khẩu phần suất ăn và chỉ cho phép những bếp ăn đủ điều kiện mới được hoạt động...
Từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã kiểm tra gần 200 bếp ăn tập thể, trong đó có hơn 100 bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp và đã xử phạt khoảng 100 triệu đồng đối với 15 cơ sở vi phạm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Có sức khỏe mới phát triển tốt!
(HNM) - Bữa ăn nói chung đã luôn cần đến sự an toàn, bữa ăn công nghiệp có đặc thù phục vụ người lao động với cường độ, yêu cầu ngày càng cao lại càng cần bảo đảm yếu tố cơ bản nhất là an toàn.