Năm nay, các ban ngành đoàn thể, nhất là các chính quyền địa phương đã chủ động hơn trong việc triển khai các chiến dịch thanh kiểm tra an toàn thực phẩm, nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ và các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán
Ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết, để giúp người dân vơi bớt nỗi lo về thực phẩm không an toàn trong dịp Tết Nguyên đán, với vai trò là thường trực của Ban chỉ đạo Liên ngành Trung ương về
an toàn vệ sinh thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã báo cáo Bộ Y tế và triển khai các công tác đảm bảo
an toàn thực phẩm (ATTP) Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội Xuân 2017.
Năm nào cũng vậy, nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội rất cao do nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng, không ít người sản xuất lợi dụng dịp này để sản xuất "chớp nhoáng", không đảm bảo
ATTP hòng trục lợi. Bên cạnh đó, thời tiết miền Bắc ẩm ướt, “đỏng đảnh”, còn miền Nam là mùa nóng, cũng là lý do khiến các cơ quan chức năng "đau đầu" ứng phó.
Do đó, bên cạnh việc thực hiện đồng loạt các chiến dịch thanh kiểm tra từ trung ương xuống địa phương, Cục ATTP còn chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương nâng cao kiến thức, thực hành ATTP trong dịp Tết, chú trọng tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc có thể xảy ra. Đặc biệt, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan (UBND các cấp, người quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng) trong việc đảm bảo ATTP.
Theo ông Tuấn, tại Trung ương đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp chủ trì (2 đoàn/bộ), kiểm tra một số tỉnh thành trọng điểm về việc triển khai các hoạt động ATTP, thanh kiểm tra một số cơ sở sản xuất. Các đoàn kiểm tra, cũng như cơ quan quản lý tại các địa phương luôn được khuyến cáo, bất cứ vi phạm nào cũng phải xử lý triệt để và công bố vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân tránh được sản phẩm độc hại và tìm đến với những thực phẩm an toàn.
“Năm nay, qua thực tế kiểm tra giám sát cho thấy, các tỉnh thành đều đã quyết liệt triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết và mùa lễ hội Xuân 2017, việc xử lý vi phạm cũng được thực hiện triệt để hơn”, ông Tuấn khẳng định.
Với mục tiêu hạn chế mức thấp nhất nguy cơ và số các vụ ngộ độc thực phẩm, tại các địa phương đều thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh,
nhập khẩu thực phẩm,
dịch vụ ăn uống. Đồng thời, bố trí kinh phí cho các hoạt động bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân năm 2017.
“Dịp này, hoạt động thanh kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất tập trung vào một số sản phẩm thực phẩm được sử dụng nhiều như: Thịt,
bánh,
mứt,
kẹo, rượu, hạt có dầu… Cũng đã cận Tết, nên chúng tôi tiếp tục yêu cầu xử lý kiên quyết các vi phạm ATTP, đồng thời công bố cả những cơ sở đảm bảo để người dân có sự lựa chọn an toàn”, ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng khuyến cáo, ngoài sự nỗ lực của cơ quan quản lý, rất cần sự ủng hộ của người tiêu dùng trong việc đảm bảo ATTP. Thực tế, nếu người tiêu dùng quay lưng với thực phẩm không an toàn thì chắc chắn sản phẩm đó sẽ không có đất sống. Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, các bà nội trợ nên mua thực phẩm ở những cơ sở uy tín, sản phảm có nhãn mác, có thời hạn , đảm bảo điều kiện bảo quản sản phẩm…
“Điều kiện bảo quản, thực hành vệ sinh tại gia đình cũng rất quan trọng. Các bà nội trợ cần
chế biến và bảo quản đúng cách, nếu nhận thấy thực phẩm có chút “vấn đề” thì cần phải loại bỏ ngay để tránh mối lo ngộ độc cho gia đình”, ông Tuấn khuyến cáo.