0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tăng cường phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm

13/01/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Tăng cường phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm
Trong chương trình giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016 do bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Y tế vào sáng 10-1-2017
Nội dung nhằm rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP. Đồng thời kịp thời ghi nhận những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP trong thời gian qua.
 
Theo bác sĩ Trần Văn Mướt - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được ngành quan tâm thực hiện. Từ năm 2011 đến năm 2016, tỉnh đã cấp 6.245 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và 1.943 giấy xác nhận các loại công bố phù hợp quy định ATTP. Riêng trong năm 2016, có 12 bếp ăn trường mầm non đã ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo hướng dẫn quản lý ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống của Bộ Y tế. Ngành thường xuyên tổ chức tập huấn phổ biến các văn bản pháp luật, điều kiện ATTP cho chủ, người quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
 
Trong 5 năm qua, ngành đã thanh tra, kiểm tra 45.883 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể. Có 35.392 cơ sở đạt, chiếm 77,14%. Ngành cũng đã kiểm soát, thu hồi 5 sản phẩm sữa với 411 túi (loại 400g và 1kg) có nguy cơ gây mất an toàn. Tuy nhiên, từ năm 2011 - 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ ngộ độc thực phẩm với 371 người mắc. Đại diện Sở Y tế, bác sĩ Trần Văn Mướt cho biết thêm, trong mỗi vụ ngộ độc, ngành đều kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm. Nếu có phát hiện độc tố hóa học, ngành sẽ truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ sở để kịp thời ngăn chặn các sản phẩm không an toàn đến tay người tiêu dùng. Các trường hợp ngộ độc ghi nhận vừa qua do độc tố tự nhiên gây ra nên không thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
 
* Trước đó, ngày 9-1-2017, đoàn có buổi làm việc với Sở Công Thương. Nội dung là nắm tình hình thực hiện các văn bản quy phạm trên lĩnh vực ngành phụ trách. Theo đó, đoàn đã đặt nhiều vấn đề liên quan giải pháp của ngành trước các mối nguy hại vệ sinh ATTP như: việc lạm dụng hóa chất trong việc bảo quản sản phẩm, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn trôi nổi trên thị trường đã khiến người dân bức xúc trong thời gian qua.
 
Ông Nguyễn Thanh Phương - Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường, Sở Công Thương đã giải trình trước đoàn. Đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATTP. Cụ thể, cần có những văn bản quy định xử phạt tại chỗ đối với các cơ sở sản xuất, mua bán nhỏ lẻ vi phạm. Hiện việc kiểm tra giữa các đội kiểm tra liên ngành vẫn còn chồng chéo, ngành hy vọng có hướng giải quyết, thống nhất việc tổ chức đoàn kiểm tra tại các cơ sở để đảm bảo điều kiện kinh doanh cho người dân.
 
Qua giám sát, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy đánh giá cao vai trò tham mưu và phối hợp của sở, ngành có liên quan trong việc triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATTP thời gian qua. Tuy nhiên, bà cũng đề nghị Sở Y tế và các ngành công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường phối hợp. Trong đó, Sở Y tế cần thể hiện rõ trách nhiệm và chức năng của mình trong ban chỉ đạo liên ngành. Cần cụ thể hóa Luật ATTP và các văn bản pháp luật, đồng thời chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch, giải pháp để thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra ATTP. Tăng cường các quy chế trong kiểm tra và đẩy mạnh phối hợp tập huấn công tác quản lý tại cơ sở, công tác tuyên truyền phổ biến về luật của các ngành đến người dân 
Phan Hân