Đồng tình với hướng đi và thái độ cương quyết của Hà Nội trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý thành phố cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tăng nặng chế tài xử phạt và quan tâm kinh phí cho công tác đảm bảo ATTP để Hà Nội là thành phố an toàn, tạo môi trường tốt nhất phục vụ đời sống người dân
Chiều 6-1, Đoàn Giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016.
Trước đó Đoàn giám sát đã tổ chức 4 tổ công tác đi kiểm tra thực tế ở gần 40 cơ sở trồng rau sạch, chăn nuôi, giết mổ, thức ăn đường phố, chợ đầu mối, chợ dân sinh… ở nội và ngoại thành Hà Nội.
Còn nhiều tồn tại
Các tổ công tác đều đánh giá, Hà Nội đã có chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo ATTP. Thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thí điểm hiệu quả việc tổ chức thanh tra ATTP ở cấp phường. Đặc biệt, TP đã giao Chủ tịch UBND cấp quận một tuần phải đi kiểm tra thực tế ATTP một lần; Chủ tịch UBND phường một tuần một lần; Phó Chủ tịch UBND phường (thường trực ban chỉ đạo) 2 lần một tuần…
Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng bày tỏ lo lắng với về điều kiện không đảm bảo vệ sinh của một số cơ sở giết mổ. Ông Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ có 29 cơ sở giết mổ thủ công, gây ô nhiễm môi trường, nước thải bốc mùi khó chịu. Các cơ sở không được cấp giấy chứng nhận, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà cho biết, sau khi đi kiểm tra ở một cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, mùi hôi bám vào người mãi không hết.
Các thành viên trong đoàn giám sát cũng phản ánh một số cơ sở giết mổ công nghiệp được đầu tư lớn với cả trăm tỷ đồng nhưng chỉ hoạt động được ¼ công suất do có quá nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ. Các tổ công tác đều kiến nghị cần quản lý chặt chẽ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tạo cơ chế hỗ trợ các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, chợ đầu mối phía Nam (ở Đền Lừ, Hoàng Mai) đã xuống cấp, vệ sinh kém, không phân định rõ khu bán hàng, rau củ quả lẫn với bán thịt, cua cá. “Khi hỏi về xuất xứ hàng hóa , tiểu thương cho biết mua của dân, hôm nay mua từ Hưng Yên, mai mua ở Hải Dương, không rõ nguồn gốc. Hỏi thịt dừng kháng sinh bao nhiêu ngày, rau cách ly mấy ngày cũng không ai biết”, ông Phan Xuân Dũng nói.
Các thành viên đoàn giám sát cũng lo lắng trước tình trạng vận chuyển thực phẩm không đảm bảo; thực phẩm đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc
Cương quyết xử lý vi phạm
Trả lời các băn khoăn của đoàn giám sát, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã quy hoạch các khu chợ, cơ sở giết mổ, vùng trồng rau sạch, chăn nuôi. Theo đó, các cơ sở giết mổ sẽ gắn chặt với nguồn cung cấp để kiểm soát đầu vào; địa điểm phải thuận lợi cho việc giết mổ và hợp lý trong phân phối. Năm 2017, Hà Nối sẽ xây dựng 4 trung tâm giết mổ tập trung và xử lý nghiêm các cơ sở nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường
Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, hiện nay, chưa kiểm soát được việc tiêu thụ rau quả do chưa có hệ thống tiêu thụ; người trồng chưa nhận thức được việc xây dựng thương hiệu. Thành phố sẽ triển khai việc xây dựng mã vạch để kiểm tra xuất xứ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ triển khai quy hoạch lại việc buôn bán hoa quả.
Về quy hoạch các chợ, Chủ tịch UBND TP cho biết, việc cải tạo, xây dựng lại các chợ thành trung tâm thương mại như ở chợ Cửa Nam, Hàng Da đã thất bại. Sắp tới, thành phố sẽ cải tạo lại các chợ đầu mối như Long Biên theo mô hình mới, với các khu bán hàng đạt chuẩn, người bán phải có kiến thức, đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ, không để tình trạng lộn xộn như trước đây.
Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị đưa tiêu chuẩn nước sạch thành một trong những chỉ tiêu quan trọng để đảm bảo ATTP. “Ai cũng phải sử dụng nước sạch. Nước sạch liên quan trực tiếp đến thực phẩm và là yếu tố rất quan trong. TP Hà Nội đã xây dựng tiêu chuẩn nước sạch chung cho cả nông thôn và đô thị là đạt chuẩn châu Âu. Có thể uống ngay tại vòi”, Chủ tịch UBND TP nói.
Cần vào cuộc quyết liệt hơn
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Không dễ gì khẳng định thực phẩm đang lưu thông là an toàn. Đặc biệt là chưa kiểm soát được các cơ sở nhỏ lẻ, vãng lai. Đây là vấn đề chung của cả nước”
Qua kiểm tra thực tế, 50% các cơ sở chưa kiểm soát được đầu vào, chưa truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. Nhiều cơ sở giết mổ công nghiệp gặp khó khăn, các chợ còn tình trạng ô nhiễm... Cho rằng đây là những tồn tại phải được nhìn nhận nghiêm túc, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý nguyên nhân chính là ý thức của người dân chưa cao và đặc biệt là trách nhiệm của cán bộ chưa đạt. “Đi kiểm tra tối 5-1, tôi đã phê bình một cán bộ chi cục thú y khi để một cơ sở giết mổ thủ công không phép, gây ô nhiễm nhiều năm”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Đồng tình với hướng đi và thái độ cương quyết của Hà Nội trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý thành phố cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tăng nặng chế tài xử phạt và quan tâm kinh phí cho công tác đảm bảo ATTP để Hà Nội là thành phố an toàn, tạo môi trường tốt nhất phục vụ đời sống người dân