Nông sản, thực phẩm hữu cơ đang trở thành món quà để biếu tặng nhau dịp Tết. Bên cạnh nhiều đơn vị sản xuấ và cung ứng chân chính, cũng có không ít chỗ ăn theo
Tại cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica trên đường Tôn Thất Thiệp (quận 1, TP HCM), những ngày này, nhân viên luôn tất bật gói quà Tết theo đơn đặt hàng. Tại đây, còn dành hẳn gian trưng bày một số mẫu giỏ quà Tết.
Đa dạng chủng loại
Đại diện Công ty CP Thương mại dịch vụ Mùa (chủ hệ thống phát triển và phân phối thực phẩm hữu cơ Organica) cho biết các năm trước, khách hàng mua giỏ quà hữu cơ chủ yếu là cá nhân, số lượng ít để tặng người thân dịp Tết.
Năm nay, thêm nhóm khách hàng doanh nghiệp đặt với số lượng lớn để tặng đối tác. Mức thấp nhất là giỏ quà rau, củ, quả hữu cơ đựng trong túi vải thân thiện với môi trường, bên trong có vài loại rau ăn lá và củ quả màu đỏ như cà chua, củ dền…, giá từ 200.000-300.000 đồng.
Phổ biến khách đặt giỏ quà từ 500.000-700.000 đồng, gồm hạt điều, việt quất, nho khô, gia vị. Năm nay, thêm nhiều sản phẩm nhập khẩu từ những thương hiệu mạnh, bao bì đẹp, có thể dùng làm quà tặng ngay. Giỏ quà giá cao nhất mà Organica đã bán cho khách lên đến 4 triệu đồng.
Giỏ quà Tết bằng thực phẩm hữu cơ được nhiều người tiêu dùng quan tâm Ảnh: Tấn Thạnh
Sau khi công bố đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (Ecocert - EU) về canh tác, chế biến và nông sản, các nhà máy của Công ty CP Vinamit đã chạy hết công suất nhưng vẫn không thể đáp ứng do nhu cầu tiêu thụ tăng gấp 3 lần so với dự tính của ban giám đốc công ty.
“Chúng tôi không thể tăng sản lượng để đủ bán cho khách hàng, cũng không kịp thiết kế các giỏ quà mà chỉ tặng hộp, túi đựng cho khách. Thậm chí, chưa kịp thay bao bì sản phẩm để có thể nhận diện đây là sản phẩm organic nhưng khách hàng vẫn tin tưởng. Tại hội chợ ở Nhà Thi đấu Phú Thọ mới đây, có ngày, Vinamit phải hẹn khách hàng vào hôm sau do hết hàng” - ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamit, cho biết.
Nhiều sản phẩm “tự xưng”
Ông Nguyễn Lâm Viên nhìn nhận nhu cầu về sản phẩm hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm hiện rất lớn. Dự kiến, sau Tết nguyên đán, Vinamit sẽ khai trương thêm 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở TP HCM, nhượng quyền thương mại 1 cửa hàng tại TP HCM và 3 cửa hàng ở Hà Nội.
Ông Bùi Huy Bình, Giám đốc Công ty CP Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc (TraceVerified) cũng nhận định nhờ có nhiều ưu thế, thực phẩm hữu cơ đang nhận được sự quan tâm nhiều của người tiêu dùng trong dịp Tết.
Cách đây vài năm, phong trào sản xuất - kinh doanh nông sản và thực phẩm organic phát triển rầm rộ. Bên cạnh số ít công ty, đơn vị được công nhận tiêu chuẩn organic, nhiều cửa hàng, website kinh doanh thực phẩm cũng tự gắn mác hữu cơ lên sản phẩm của mình và bán với giá cao ngất ngưởng. Có công ty tự quảng cáo là phân phối thịt heo hữu cơ với giá bán gấp gần 3 lần thịt VietGAP nhưng vẫn có nhiều người mua.
Hiện nhiều sản phẩm từ gạo, thịt, trứng, rau củ, trái cây… được rao bán là sản phẩm hữu cơ, trong khi chưa được cơ quan chức năng chứng nhận. Phần lớn trong số này là những sản phẩm “của nhà trồng/nuôi”, được giới thiệu là không sử dụng phân bón hóa học, thức ăn công nghiệp…với giá bán cao gấp đôi, gấp ba loại thông thường.
Ông Vũ Thế Thành, chuyên gia quản trị chất lượng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng đang có phong trào sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, thông tin về sản phẩm hữu cơ có phần sai lệch khi cho rằng dinh dưỡng và mùi vị thơm ngon hơn. Ngoài yếu tố an toàn, cân bằng hệ sinh thái, đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh sự vượt trội về dinh dưỡng và mùi vị của thực phẩm hữu cơ.
Việt Nam chưa có chứng nhận nông nghiệp hữu cơ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từ năm 2006, bộ này đã có quyết định “Hữu cơ - tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chế biến” nhưng đến nay, chưa có hướng dẫn cho việc cấp chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết cả nước có 444 chuỗi sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn của Bộ NN-PTNT. Số lượng chuỗi thực phẩm sạch trên thực tế có thể nhiều hơn. Hà Nội, TP HCM, Lâm Đồng và một số địa phương khác có nhiều sáng kiến trong việc xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp an toàn.