0908.326.779 - 0906.362.707
 

Đăng ký bảo hộ thương hiệu: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

24/04/2021    4.6/5 trong 5 lượt 
Đăng ký bảo hộ thương hiệu: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Câu chuyện gạo ST25 vừa bị 4 doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ tại Mỹ lại làm dấy lên lo ngại về việc các thương hiệu Việt bị “cướp trắng” do sự lơ là, chưa quan tâm chính đáng đến vấn đề sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam

Phía sau câu chuyện gạo ST25 bị "cướp" thương hiệu

Mới đây, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, cơ quan này đã nhận được phản ánh của doanh nghiệp về thông tin sản phẩm gạo ST24 và gạo ST25 của Việt Nam đã bị 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ. Điều đáng lo ngại là hiện tại, sản phẩm gạo ST24 và gạo ST25 của Việt Nam không thể đòi lại được thương hiệu khi sản phẩm đã bị cơ quan khác đăng ký bảo hộ tại các nước trên thế giới.

Được biết, sau khi được đưa vào tham dự cuộc thi “World’s best rice”, do The Rice Trader (TRT) tổ chức trong hội nghị “TRT world rice conference” lần thứ 11, gạo thơm ST25 đã đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Sản phẩm này chính là niềm tự hào thương hiệu Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu thế giới.

Tra cứu thông tin công khai trên WIPO - cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, hiện có 3 tổ chức, cá nhân có địa chỉ ở Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ liên quan trên sản phẩm gạo ST25. Đó là Ngon Fish Sauce đăng ký bảo hộ "Gao Thom ST25" "Dac san Soc Trang" nộp đơn ngày 22/10/2020; Transworld Foods đăng ký bảo hộ "VIETNAM’S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG", nộp đơn ngày 1/9/2020 và John D.Tran đăng ký nhãn hiệu ST25 nộp đơn ngày 18/6/2020.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên thương hiệu Việt bị doanh nghiệp ngoại “cướp” trắng. Trên thực tế, đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị mất quyền sở hữu nhãn hiệu ngay trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu, thậm chí trong đó có cả những “ông lớn” như café Trung Nguyên, Vinataba, kẹo dừa Bến Tre, Vifon, Petro, nước mắm Phú Quốc…

Chúng ta chưa quên năm 2000, Trung Nguyên đã từng bị công ty Rice Field đăng kí bảo hộ thương hiệu café Trung Nguyên tại Mỹ và đã tốn lượng tài chính khổng lồ mới lấy lại được thương hiệu. Ngay sau đó, năm 2002, thương hiệu thuốc lá hàng đầu của nước ta là Vinataba đã bị một công ty của Indonesia là P.T. Putra Stabat Industri chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước Asean. Vinataba sau đó cũng phải vật vã để bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài. Gần đây nhất, năm 2011, nước mắm Phú Quốc bị công ty Viet Huong Fishsauce của Mỹ đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Mỹ và cộng đồng chung Châu Âu, Trung Quốc và Australia…

Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp Việt còn lơ là với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chưa quan tâm chính đáng đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Hoặc như một số doanh nghiệp lớn tuy đã có ý thức hơn về vấn đề này nhưng lại mới chỉ quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước mà chưa thực hiện đăng ký ở nước ngoài.

Doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ thương hiệu tại thị trường xuất khẩu

Nói về câu chuyện gạo ST25 bị đăng ký bảo hộ tại Mỹ, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay, thương hiệu gạo này bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền trước thì khi Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ở Mỹ, nếu không sẽ vi phạm về sở hữu trí tuệ. Hiện cơ quan nhà nước chỉ có thể hỗ trợ cung cấp thông tin, hướng dẫn, chứ không can thiệp được, còn doanh nghiệp phải thuê luật sư để đòi lại thương hiệu của mình.

Trong quý I/2021, Việt Nam đã xuất khẩu 1.900 tấn gạo ST25. Trong đó, lượng gạo ST25 xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỉ trọng lên đến 98%.

Đồng thời, ông Phú khuyến cáo, đây là bài học đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Để phát triển bền vững thì vấn đề sở hữu trí tuệ cần được coi trọng. Doanh nghiệp cần chủ động có chiến lược trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, ít nhất thì cũng là ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm để giữ vững thương hiệu của mình.

Theo các chuyên gia, việc đăng ký bảo hộ thành công đối với nhãn hiệu hàng hóa sẽ tạo cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng để doanh nghiệp thực thi các quyền pháp lý liên quan đến việc sở hữu độc quyền nhãn hiệu này trên thị trường.

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ Tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, cùng với xu thế hội nhập, rất nhiều doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới bằng những sản phẩm xuất khẩu và có nhiều doanh nghiệp "vấp" phải hoàn cảnh bị tranh chấp thương hiệu ở nước ngoài vì chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. "Thương hiệu là  “linh hồn” của mỗi doanh nghiệp trong quá trình phát triển, bởi thế mất thương hiệu không chỉ mất đi lợi thế cạnh tranh mà còn mất uy tín, mất thị trường, khiến doanh nghiệp phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Do đó, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, song song với việc xây dựng thương hiệu thì cũng cần có chiến lược bảo vệ, giữ gìn thương hiệu ở cả thị trường trong nước và nước ngoài", Tổng Thư kí Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cũng cần phải có giải pháp tổng thể tuyên truyền đồng thời hỗ trợ về thông tin, pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa về vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu./.

Tố Uyên