Trong quá trình hội nhập, việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu tại nước ngoài là điều cần thiết. Và để tự bảo vệ hàng hóa của mình thì các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, hiểu biết sâu rộng về sở hữu trí tuệ.
Khi Việt Nam gia nhập thương mại thế giới sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội thuận lợi từ thị trường chung mang tính toàn cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đối diện với những thách thức lớn. Đó là sự cạnh tranh gay gắt và rộng hơn, sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến và phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Chia sẻ nhiều hơn về vấn đề này tại Hội thảo “CPTTP & EVFTA: Sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp Việt”, ThS. Vũ Xuân Trường thuộc BCSI nhấn mạnh, EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là những FTA thế hệ mới, với những cam kết sâu và bao trùm trong nhiều lĩnh vực, trong đó, nâng cao quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung mà các quốc gia cần phải thực thi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu lực thực thi quyền SHTT còn hạn chế ở Việt Nam như: Năng lực của các cán bộ thực thi còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT ngày một gia tăng; công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp xử lý xâm phạm quyền SHTT giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi còn chưa kịp thời, chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; chế tài xử lý hành chính chưa thực sự có tính răn đe cao, trong khi biện pháp dân sự ít được sử dụng, bên cạnh đó chế tài hình sự chưa phát huy hiệu quả do thiếu những văn bản hướng dẫn xử lý; người tiêu dùng, công chúng vẫn còn hạn chế trong việc sử dụng và tôn trọng quyền SHTT của người khác; nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của đăng ký bảo hộ cũng như bảo vệ quyền SHTT.
Trước vấn đề trên, Th.S Trường đưa ra 3 giải pháp cụ thể. Thứ nhất, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế, phối hợp đồng bộ từ nhiều bên để xây dựng và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt trong thời gian tới.
Thứ hai, Việt Nam cần “đột phá” trong khâu đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia. Trong đó, doanh nghiệp được đặt ở vị trí trung tâm, Nhà nước, Viện nghiên cứu, các trường đại học là “ba đỉnh của một tam giác đều”. Đồng thời, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức, không buôn bán, kinh doanh hàng giả, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ ba, cần nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định CPTTP & EVFTA với các nước, các điều kiện ràng buộc về sở hữu trí tuệ nâng cao hơn, chặt chẽ và minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, cần tích cực triển khai các chương chình hỗ trợ quản lý, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà sáng tạo; chủ động và mở rộng các quan hệ quốc tế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ của mình một cách tốt nhất ở trong và ngoài nước