Lợi thế về chất lượng, yếu tố sản xuất, tiêu dùng mang tính văn hóa, truyền thống… nên việc xây dựng và phát triển thương hiệu cộng đồng (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) là một hướng đi phù hợp, giúp phát triển sản xuất và mở rộng thị trường cho các sản phẩm địa phương
Nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) ngày càng chứng minh lợi thế trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị truyền thống, thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản của địa phương.
Trăn trở với nhãn hiệu cộng đồng
Không thể phủ nhận từ khi có NHTT, NHCN, làng nghề của các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát triển sản phẩm đặc trưng của mình, vốn đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Cũng nhờ có những nhãn hiệu cộng đồng này, các hộ thành viên tham gia sản xuất ngày càng tuân thủ chặt chẽ quy chế đề ra, qua đó giúp sản phẩm sản xuất nhiều hơn, chất lượng cao hơn, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong số các nhãn hiệu cộng đồng, NHTT Rượu Quán Đế, Bánh tráng Đông Bình; NHCN Muối Tuyết Diêm đang được địa phương và các chủ sở hữu quản lý tốt.
Nói về những lợi ích từ khi bảo hộ được quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho sản phẩm nước mắm Phú Yên, ông Phạm Văn Khải, chủ cơ sở nước mắm Tân Lập (TX Sông Cầu), nói: “Khi chưa được bảo hộ quyền SHTT, có thời điểm những cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường. Tuy nhiên, từ khi được cấp giấy chứng nhận NHTT, sức tiêu thụ của sản phẩm ngày càng mạnh, cơ sở phải thuê thêm người để sản xuất. Ở thời điểm hiện tại, nhờ uy tín sản phẩm được nâng lên, người tiêu dùng tin tưởng nên nước mắm Tân Lập đã có đại lý hầu khắp cả nước”.
Từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ cho đến nay, nhãn hiệu cộng đồng đã và đang giúp các địa phương hình thành được các tổ chức tập thể như hội, hiệp hội; thúc đẩy sự phát triển các HTX; đồng thời góp phần giúp các chủ thể như HTX, doanh nghiệp, hộ gia đình tổ chức sản xuất, thương mại sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều NHTT được bảo hộ nhưng khai thác chưa hiệu quả.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho rằng các nhãn hiệu cộng đồng là những tài sản có giá trị, có danh tiếng và uy tín chất lượng từ lâu truyền lại; mang đến giá trị tiềm năng to lớn về mặt kinh tế - xã hội. Thời gian qua, các chính sách, biện pháp thúc đẩy hoạt động bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc sản địa phương đã tạo động lực cho sự phát triển sản xuất, giúp người dân ổn định đời sống...
Theo bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, bên cạnh những mặt tích cực, kết quả khảo sát cho thấy 9 NHTT sau khi được bảo hộ chưa đem lại hiệu quả. Các thành viên chủ yếu sử dụng nhãn hiệu riêng trong hoạt động kinh doanh của mình; chưa nhận thức đầy đủ về quyền và lợi ích cũng như nghĩa vụ của mình khi tham gia sử dụng NHTT. Bên cạnh đó, hiện nay các tổ chức quản lý nhãn hiệu cộng đồng cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm ra mô hình quản lý và phát triển nó một cách có hiệu quả bởi đây là một lĩnh vực khá mới mẻ.
Nỗ lực xây dựng thương hiệu
Khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, yêu cầu về chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng khắt khe hơn, đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ bởi các cơ quan chức năng của Nhà nước. Do vậy, để góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất, Sở KH-CN Phú Yên luôn chú trọng ưu tiên hỗ trợ xây dựng, bảo hộ SHTT cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Bởi xây dựng nhãn hiệu không hề dễ và việc gìn giữ, phát triển thương hiệu lại càng khó hơn.
Để khắc phục những bất cập kể trên, Sở KH-CN đã tập trung đẩy mạnh hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ, phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh thương hiệu sản phẩm. Các hoạt động hỗ trợ bảo vệ quyền SHTT được chú trọng qua việc tăng cường kiểm soát nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm và sử dụng trái phép quyền SHTT; tăng cường phối hợp thanh tra liên ngành để kiểm soát chống hàng giả, hàng nhái, chống sử dụng trái phép các quyền SHTT đối với các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đã được bảo hộ. Những nỗ lực của Sở KH-CN Phú Yên trong việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm tiêu biểu của địa phương đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi Luật SHTT trên địa bàn tỉnh.
Trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, thương hiệu không chỉ là tập hợp các yếu tố để phân biệt sản phẩm mà là yếu tố cạnh tranh quan trọng, là tài sản có giá trị lớn đối với sự tồn tại và phát triển của các sản phẩm hàng hóa. Vì thế, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức sở hữu NHCN, NHTT cần phải hiểu tầm quan trọng của nhãn hiệu đã được xây dựng để từ đó, nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý phù hợp. “Chỉ khi nào các bên đều đồng lòng, nhãn hiệu mới được chắp cánh thành thương hiệu để đưa những sản phẩm độc đáo của quê hương đến mọi miền đất nước, vươn ra thế giới”, bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh cho biết.
Hiện nay, Phú Yên có 9 NHTT gồm: Bánh tráng Đông Bình, Nước mắm Phú Yên, Khóm Đồng Din, Bánh tráng Phú Yên, Nước mắm Gành Đỏ, Cá ngừ đại dương Phú Yên, Bánh tráng Hòa Đa, Nước mắm Long Thủy, Rượu Quán Đế. Một NHCN là Muối Tuyết Diêm. |