0908.326.779 - 0906.362.707
 

Địa danh sử dụng làm nhãn hiệu hàng hóa và những điều cần biết

18/12/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Địa danh sử dụng làm nhãn hiệu hàng hóa và những điều cần biết
Sáng ngày 16/12, Tọa đàm Sở hữu trí tuệ đã được diễn ra thành công tại Cục Sở hữu trí tuệ với sự phối hợp với Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Tọa đàm đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về nhãn hiệu, bản quyền.

Một vấn đề quan trọng được đem ra bàn luận trong tọa đàm là đăng ký  nhãn hiệu chứa tên địa danh không liên quan đến sản phẩm dịch vụ đăng ký. Vấn đề này được đại diện Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh trình này.

toa dam

 Tọa đàm Sở hữu trí tuệ

Câu hỏi đầu tiên được các đại biểu đặt ra, đó là tại sao người ta thường lựa chọn tên địa danh làm nhãn hiệu hàng hóa?

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh cho biết tên địa danh là tên gọi của một địa điểm cụ thể bao gồm vùng, miền, khu vực hay lãnh thổ ... Trải qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, tên địa danh được người ta biết tới rộng rãi thông qua các sự kiện lịch sử, con người, điều kiện tự nhiên, khí hậu, hay ít nhiều có tiếng tăm trong việc sản xuất các sản phẩm, hoặc cung cấp các dịch vụ đặc trưng của địa điểm đó.

Chính vì lý do tên địa danh đã được biết đến bởi người tiêu dùng nên các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ thường có xu hướng sử dụng tên địa danh làm nhãn hiệu hay thêm tên địa danh vào nhãn hiệu của họ để gây liên tưởng cho người tiêu dùng về nơi sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ hoặc các đặc tính sẵn có nào đó của hàng hóa hoặc dịch vụ của nơi có tên địa danh.

Các tên địa danh như vậy được xem như một dạng chỉ dẫn nguồn gốc, cụ thể là “nguồn gốc địa lý” và do vậy không có khả năng thực hiện chức năng chỉ dẫn nguồn gốc của nhãn hiệu hàng hóa.

Để điều chỉnh việc đăng ký nhãn hiệu liên quan đến tên địa danh, Điều 74.2(c,đ) Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rằng các dấu hiệu chỉ địa điểm, nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ không có khả năng phân biệt trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận.

Vậy những tên địa danh nào có thể sử dụng làm nhãn hiệu hàng hóa?

Về vấn đề này, đại diện Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh cho biết để tên địa danh có thể gây liên tưởng cho người tiêu dùng về nơi sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ hoặc các đặc tính sẵn có nào đó của hàng hóa của nơi có tên địa danh, người tiêu dùng ít nhất phải biết tên địa danh đó như là nơi sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ liên quan hoặc như là nơi có các sản phẩm và dịch vụ liên quan với các nét đặc trưng nào đó.

Tuy nhiên có rất nhiều địa danh được biết đến bởi người tiêu dùng nhưng chúng không phải là nơi sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ liên quan cũng như không phải là nơi có các sản phẩm và dịch vụ liên quan với các nét đặc trưng nào đó như sa mạc SAHARA, Bắc Cực (North Pole), Everest, Himalaya,etc., và do đó các tên địa danh này được coi như có khả năng phân biệt.

toa dam 1

Ngay cả những địa danh được biết đến bởi người tiêu dùng nhưng họ không mong đợi hoặc cho rằng nơi đó có thể là nơi sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ liên quan cũng có thể được coi như có khả năng phân biệt. Việc này có nghĩa là loại tên địa danh này không gây liên tưởng cho người tiêu dùng về nơi sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ hoặc các đặc tính sẵn có nào đó của hàng hóa của nơi có tên địa danh, và trong trường hợp này “tên địa danh” được xem như không có ý nghĩa “chỉ dẫn nguồn gốc địa lý”.

Chuyên gia cũng đưa ra ví dụ cụ thể. “Bạch Long Vĩ” đăng ký cho sản phẩm “máy tính”. Do “Bạch Long Vĩ” là tên hòn đảo thuộc Thành phố Hải Phòng và được biết đến như một trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư trường vịnh Bắc Bộ, nên người tiêu dùng sẽ không mong đợi hoặc cho rằng nơi đó có thể là nơi sản xuất máy tính.

Tên địa danh giống nhau của nhiều khu vực, vùng miền cũng không thể gây liên tưởng cho người tiêu dùng về một nơi sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ cụ thể, và do vậy tên địa danh dạng này cũng có thể được coi như có khả năng phân biệt.

Cụ thể, “Châu Thành” đăng ký cho sản phẩm “lúa gạo”. “ChâuThành” là tên của 11 huyện ở các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang (có huyện Châu Thành và Châu Thành A), Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Tây Ninh. Như vậy khi sử dụng “Châu Thành” cho sản phẩm “lúa gạo” thì người tiêu dùng sẽ không thể xác định hoặc liên tưởng nó tới bất kỳ huyện cụ thể nào thuộc 11 tỉnh như nêu trên đây

Hạ Vân