Tại Diễn đàn "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp", ông Phan Ngân Sơn - Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và công nghệ cho biết các chế tài xử phạt về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa đủ sức răn đe.
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2019, số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, SHTT tăng gấp 2.5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, 11 tháng đầu năm, cả nước đã phát hiện và xử lý 82.300 vụ vi phạm (năm 2018 phát hiện và xử lý 34.733 vụ vi phạm), thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an xử lý.
Năm 2019 nổi trội lên những vụ việc vi phạm về SHTT tăng nhanh, tính đến thời điểm này, đã kiểm tra và xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 19 tỷ đồng.
Qua một số khảo sát cho thấy, hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhằm "thử thách" mức độ sành sỏi của khách hàng. Một số mặt hàng nổi cộm trong thời gian qua bao gồm thực phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, mặt hàng phụ tùng ô tô xe máy, mặt hàng tiêu dùng, thời trang.
Các tham luận, ý kiến tại diễn đàn đều thống nhất, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ, như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính...
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết, không chỉ thực hiện ở trong nước, sản xuất hàng giả còn có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài và sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng.
Chỉ trong một thời gian ngắn kiểm tra tại khu vực chợ Bến Thành, Trung tâm Thương mại Sài Gòn Square (TP. Hồ Chí Minh) và khu vực chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện và thu giữ hàng nghìn túi xách, quần áo, đồng hồ giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Nêu lên vấn nạn hàng giả, hàng nhái khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính khó bề xoay xở, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - Giám đốc đối ngoại và truyền thông L'Oréal Việt Nam - cho biết năm 2008, chỉ một năm sau khi thương hiệu này chính thức đến Việt Nam, thị trường Hà Nội tràn ngập các cửa hàng mang bảng hiệu "L’Oreal chính hãng". Có lúc hàng giả chiếm lĩnh thị trường với thị phần lên đến 75% và trở thành nguồn cung cấp sản phẩm làm đẹp chủ lực cho người tiêu dùng. Thực trạng đó đã khiến doanh nghiệp này phải gửi công văn kêu cứu tới nhiều cơ quan cấp Chính phủ, các cuộc họp cấp cao và nhờ đó việc kiểm soát chặt thị trường kể từ năm 2010 đã giúp thị phần mỹ phẩm giả bị triệt tiêu bớt, giảm đáng kể.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp trong khi các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa hoàn thiện.Trong khi đó, với các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, mức xử phạt cao nhất cũng không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng, không có quy định về xử lý hình sự… Đây là kẽ hở khiến tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng.
Đồng quan điểm, ông Phan Ngân Sơn - Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ cũng cho rằng, các chế tài xử phạt của ta hiện nay chưa đủ sức răn đe, chủ yếu thông qua biện pháp hành chính, việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ chưa được chặt chẽ. “Các vụ xử lý về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn chủ yếu thông qua biện pháp hành chính, các vụ việc bị xử lý hình sự còn rất ít thể hiện các chế tài sử phạt của Việt Nam chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Hơn nữa, phải tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mới mong được đối tác đối xử ngược lại như vậy với chúng ta” – ông Sơn nhấn mạnh.
Bởi vậy, nhiều ý kiến tại diễn đàn cho rằng, cần phải tăng chế tài xử lý các hành vi vi phạm, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm, như vậy mới khiến các đối tượng “chùn bước”, không dám vi phạm hoặc tái phạm. Về phía các doanh nghiệp, cần tăng cường áp dụng các biện pháp công nghệ kỹ thuật như ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tem chống hàng giả sử dụng công nghệ mới... nhằm bảo vệ sản phẩm của chính mình