0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nhiều doanh nghiệp không mặn mà xây dựng thương hiệu

02/12/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Nhiều doanh nghiệp không mặn mà xây dựng thương hiệu
So với toàn quốc, số đối tượng được cấp bằng bảo hộ của các doanh nghiệp Nghệ An xếp loại trung bình khá. Trong 1.037 đối tượng được bảo hộ chỉ có khoảng 30% được các chủ sở hữu quyền khai thác và mang lại hiệu quả.
Đến nay, Nghệ An đã có 1.037 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 955 nhãn hiệu, 59 kiểu dáng, 11 giải pháp hữu ích và 12 sáng chế.
Trong số văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) của tỉnh Nghệ An, đối tượng quyền là nhãn hiệu chiếm đa số, với 955 nhãn hiệu, chiếm 92%.
Các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được bảo hộ khá đa dạng, từ lương thực, thực phẩm đến vật liệu xây dựng và các dịch vụ như: mua bán hàng tiêu dùng, thiết kế thời trang, dịch vụ nhà hàng, dịch vụ dạy nghề, đào tạo, môi giới quảng cáo...
Sản phẩm nông sản của Nghệ An được chế biến, đóng gói đẹp mắt. Ảnh: Thu Huyền

So với toàn quốc, số đối tượng được cấp bằng bảo hộ của các doanh nghiệp Nghệ An xếp loại trung bình khá. Nhiều doanh nghiệp, sản phẩm làng nghề nổi tiếng đã được bảo hộ và phát triển tốt; các sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể đã nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản, truyền thống của Nghệ An, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm chưa thực sự tạo được danh tiếng trên thị trường trong cả nước. Theo kết quả kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ: Trong 1.037 đối tượng được bảo hộ chỉ có khoảng 30% được các chủ sở hữu quyền khai thác và mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển sản xuất. Số nhãn hiệu gắn với sản phẩm chưa nhiều, chiếm khoảng 66%.
Điều này cho thấy, phần lớn chủ thể quyền tại Nghệ An chưa có chiến lược hợp lý trong vấn đề sử dụng và khai thác giá trị vốn có của quyền SHCN. Rất ít doanh nghiệp, cơ sở tiến hành xác lập quyền với mục đích phát triển bền vững mà chủ yếu đề phòng sự xâm phạm từ các chủ thể sản xuất, kinh doanh khác (khi đã manh nha có cơ sở xâm phạm); cố gắng để ăn theo danh tiếng của một vài thương hiệu nổi tiếng; sản xuất, kinh doanh trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề, thấy cơ sở khác tiến hành xác lập quyền thì mình cũng thực hiện theo.
Vì thế, nhiều doanh nghiệp chỉ mới dừng lại ở giai đoạn đầu trong cả quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu; thiếu sự ghi nhận của cơ quan Nhà nước, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hữu quan. Và quan trọng nhất, yếu tố chính mang lại lợi nhuận và danh tiếng cho sản phẩm của doanh nghiệp lại từ người tiêu dùng. 
Biểu đồ các đối tượng được bảo hộ. Đồ họa: Lâm Tùng

Theo ông Mạnh Hà - Chánh Thanh tra Sở KH&CN, nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu là do nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, của các cá nhân có liên quan chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng mà quyền SHCN có thể mang lại cho họ, cũng như không có chiến lược, kế hoạch xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, đặc biệt là họ đang rất lúng túng, không ý thức được hết tầm quan trọng của việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình. 

 
Cần giải pháp đồng bộ 
Để hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó chính sách phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2017- 2020 với tổng kinh phí lên tới 40 tỷ đồng. Đến nay, đã có một số sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, nhiều sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc và được cấp nhãn hiệu tập thể. Dự kiến đến năm 2020 sẽ xây dựng thêm 5 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, 5 nhãn hiệu chứng nhận, 5 nhãn hiệu tập thể.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Việc hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc không chỉ góp phần tạo đầu ra bền vững trong xu thế tiêu dùng mua sắm hiện đại mà còn là cách xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, để tạo lập giá trị sản phẩm có thương hiệu bền vững thì kiểm soát chặt chẽ  quy trình sản xuất, chế biến đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm một cách thường xuyên và nghiêm túc hơn. 
Nhiều làng nghề chưa quan tâm đến bao bì, thương hiệu sản phẩm. Ảnh: Thu Huyền

Sản xuất sản phẩm chất lượng cao, mới lạ, hấp dẫn sẽ đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, điều này sẽ kích thích việc đổi mới sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nhanh với số lượng lớn, giá trị bán tăng cao. Từ đó, doanh nghiệp thu được lợi nhuận cao, có điều kiện để ổn định sản xuất, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, người lao động có được việc làm ổn định, tăng thu nhập và có sự tin tưởng gắn bó với doanh nghiệp, có ý thức, trách nhiệm và sự sáng tạo trong sản xuất giúp doanh nghiệp phát huy khả năng cạnh tranh của mình. Chính chất lượng là một sự đảm bảo chắc chắn nhất cho chiến lược phát triển thương hiệu của bất cứ một loại sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ nào.

Thế nhưng, các sản phẩm hàng hóa của Nghệ An phần lớn ít có tính sáng tạo, thiếu sự đầu tư mới, giá trị kinh tế lại không cao. Đặc biệt, một số cơ sở sản xuất sản phẩm đặc sản làng nghề, truyền thống hoặc sản phẩm thực phẩm chưa hiểu rõ về giá trị thực tế của việc bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể trong chiến lược kinh doanh, phát triển bền vững.
Nhiều sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để lưu thông trên thị trường, như chưa được cấp Giấy đủ điều kiện cơ sở sản xuất thực phẩm, chưa công bố tiêu chuẩn áp dụng, chưa thực hiện tự công bố chất lượng sản phẩm (thực phẩm), không thực hiện ghi nhãn hoặc ghi nhãn không đúng, không đầy đủ; không thực hiện thử mẫu kiểm soát định kỳ theo quy định; bao bì sản phẩm hàng hóa không đảm bảo: thiết kế không hợp lý, hình thức xấu, không tạo được ấn tượng tốt đẹp ban đầu cho người tiêu dùng; chất lượng sản phẩm không đồng đều, không đảm bảo. Khi đã được cấp văn bằng bảo hộ vẫn không thể hiện điều này lên nhãn sản phẩm để góp phần quảng bá đến người tiêu dùng… 
Cà gai leo, dây thìa canh - những sản phẩm từ dược liệu quý của Con Cuông trưng bày tại 1 hội chợ. Ảnh: Thu Huyền

Trong khi đó, các cơ quan Nhà nước gần như “thụ động” ngồi đợi doanh nghiệp có nhu cầu tìm đến để tư vấn, hướng dẫn mà ít khi chủ động xem xét, nghiên cứu các trường hợp có khả năng bảo hộ để tuyên truyền, đề nghị doanh nghiệp tiến hành làm thủ tục xác lập quyền. Và sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, coi như chấm dứt hoạt động xác lập quyền. Ngoài ra, chính sự rườm rà, khó hiểu của hồ sơ xác lập quyền cũng như thời gian chờ đợi quá lâu; sự tốn kém về chi phí tư vấn, đi lại... đã trở thành rào cản lớn khiến cho rất nhiều doanh nghiệp không mặn mà gì với hoạt động xác lập quyền SHCN. 

Đã đến lúc cần có một cái nhìn khoa học, chính xác về thực trạng bảo hộ quyền SHCN tại Nghệ An, từ đó có được các giải pháp đúng đắn, khả thi để áp dụng nhằm thúc đẩy việc xác lập quyền SHCN một cách mạnh mẽ, đặc biệt là gắn công tác quản lý chất lượng hàng hóa đồng hành cùng quá trình xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ quyền SHCN
Thu Huyền