Hiệp định EVFTA đang ngày càng chú trọng tới vấn đề sở hữu trí tuệ. Điều này được nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả EVFTA” tổ chức bởi Bộ Công Thương ngày 5/6/2020 tại Trung tâm hội nghị quốc tế.
Tại hội nghị, ông Lương Hoàng Tái – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên – Bộ công thương đã nêu ra những cam kết về sở hữu trí tuệ bao gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý… Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với chỉ dẫn địa lý trong danh mục hàng hoá, khi Hiệp định có hiệu lực, đại diện phía Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam sẽ bảo hộ 160 chỉ dẫn địa lý của EU, đồng thời EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại EU. Điều này hỗ trợ rất lớn đối với khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam tham gia vào sản xuất, kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng này.
Về nhãn hiệu, đôi bên cam kết áp dụng thủ tục đăng ký thuận lợi, minh bạch, bao gốm việc phải có cơ sở dữ liệu điện tử về đơn nhãn hiệu đã được công bố và nhãn hiệu đã được đăng ký kể công chúng tiếp cận, đồng thời cho phép chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký những không sử dụng một cách thực sự trong vòng 5 năm.
Đáng chú ý, cam kết về đối xử tối huệ quốc (MFN) - cam kết về nguyên tắc tối huệ quốc trong Hiệp định này đảm bảo dành cho các tổ chức, cá nhân của EU được hưởng trong những lợi ích về tiêu chuẩn bảo hộ cao không chỉ với các đối tưởng quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định của WTO về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sử hữu trí tuệ (TRIPs) mà còn cả các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia (như Hiệp định CPTPP).
Hiệp định EVFTA có quy định về biện pháp kiểm soát tại biên giới đối với hàng hoá xuất khẩu nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi hiệp định có hiệu lực.
Tại hội nghị, chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu nhận định: vấn đề về chỉ dẫn địa lý đối với hàng hoá là rất quan trọng vì đây là thế mạnh cũng như yếu tố nòng cốt để hàng Việt Nam có thể nâng cao vị thế của mình trên thị trường quốc tế.
Về góc độ doanh nghiệp, đại diện phía CTCP Liên minh các dự án ứng dụng công nghệ ONPUN cũng nhận định đây không chỉ là một cơ hội rất lớn đối với với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và khối SMEs nói riêng, mà còn là thách thức lớn khi phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam còn non trẻ, chưa đủ sức khoẻ để có thể cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp EU. Chính vì thế, Chính phủ, các bộ, ban, ngành cần hoàn thiện thể chế và pháp luật, đồng thời đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ hợp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Việt.
Hội nghị trực tuyến được sự quan tâm tham gia bởi hơn 3000 doanh nghiệp Việt Nam có mặt trực tiếp tại hội trường cũng như đăng ký trực tuyến.