Tại hội thảo "Sở hữu trí tuệ - Công cụ đắc lực thúc đẩy đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp", ThS. Đỗ Thị Diện, Khoa Luật dân sự, trường Đại học Luật Huế đã có bài tham luận về chuyển giao tài sản trí tuệ là sáng chế - thực tiễn tại các doanh nghiệp ở Tây Nguyên.
Theo đó, chuyển giao tài sản trí tuệ là sáng chế là thỏa thuận trong đó (người chuyển nhượng trực tiếp) chuyển toàn bộ, hoặc một phần quyền sở hữu và quyền lợi đối với bằng sáng chế, hoặc đơn đăng ký cho (người nhận chuyển nhượng). Người nhận chuyển nhượng được độc quyền bảo vệ, khai thác, thực thi sáng chế. Doanh nghiệp nên sở hữu, hoặc thông qua nhận chuyển giao để sở hữu bằng sáng chế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên cả nước nói chung, doanh nghiệp ở Tây nguyên nói riêng chưa quan tâm đến sáng chế. Vì vậy, trong phạm vi nghiên cứu, tác giả tìm hiểu quy định của pháp luật về chuyển giao sáng chế, và thực tiễn hoạt động chuyển giao sáng chế trong một số lĩnh vực tiêu biểu trong các doanh nghiệp ở Tây nguyên trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2017. Từ đó, đưa ra giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật trong chuyển giao tài sản trí tuệ là sáng chế.
Quy định của pháp luật về chuyển giao tài sản trí tuệ là sáng chế
Chuyển giao tài sản trí tuệ là sáng chế
Một sáng chế phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành để được cấp bằng độc quyền sáng chế. Sáng chế đó trước hết phải thuộc đối tượng được bảo hộ sáng chế và đáp ứng điều kiện về tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.
Sáng chế đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, trước hết không thuộc vào đối tượng loại trừ bảo hộ sáng chế và theo nguyên tắc chung là việc bảo hộ sáng chế được dành cho các sáng chế ở mọi lĩnh vực công nghệ.
Như vậy, chuyển giao tài sản trí tuệ là sáng chế thông qua chuyển giao công nghệ. Theo khoản 7 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định: “Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ”. Tại khoản 2 Điều 4 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định đối tượng công nghệ được chuyển giao được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Theo quy định tại Chương 10 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và được sửa đổi, bổ sung năm 2019 về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp. Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế được thực hiện thông hai hình thức: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối với sáng chế; và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đối với sáng chế. Căn cứ vào khoản 2 Điều 138; và khoản 2 Điều 141 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và được sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì hợp đồng chuyển giao tài sản trí tuệ đối với sáng chế phải được lập thành văn bản, đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Phương thức chuyển giao tài sản trí tuệ là sáng chế
Thứ nhất, chủ sở hữu tự khai thác bằng độc quyền sáng chế của mình.
Chủ sở hữu sáng chế được bảo hộ tự mình thực hiện những hoạt động sau đây để khai thác giá trị sáng chế của mình nhằm mục đích thu lợi nhuận: Sản xuất sản phẩm được bảo hộ; Áp dụng quy trình được bảo hộ; Khai thác công dụng của sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ; Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ; Nhập khẩu sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ.
Thứ hai, chuyển giao công nghệ độc lập hoặc theo phần sở hữu trong các trường hợp dự án đầu tư; Góp vốn bằng công nghệ; Nhượng quyền thương mại; Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ; Mua bán máy móc, thiết bị đi kèm các đối tượng công nghệ được chuyển giao. Cụ thể thông qua:
Một là, chuyển nhượng quyền sở hữu: Chủ sở hữu sáng chế đang được bảo hộ thực hiện chuyển giao quyền sở hữu đối với sáng chế của mình cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế. Tuy nhiên, chủ sở hữu sáng chế chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
Hai là, chuyển nhượng quyền sử dụng: Chủ sở hữu sáng chế đang được bảo hộ cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình dưới hình thức hợp đồng sử dụng sáng chế bằng văn bản. Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép; Bên được chuyển quyền sử dụng có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế tức là có nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội.
Ba là, góp vốn bằng giá trị sáng chế: Chủ sở hữu sáng chế đang được bảo hộ có quyền sử dụng sáng chế đó để góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật doanh nghiệp 2014: “Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn”; Góp vốn vào dự án đầu tư theo Điều 8 Luật chuyển giao công nghệ 2017: “Tổ chức, cá nhân có quyền chuyển giao công nghệ được quyền góp vốn bằng công nghệ vào dự án đầu tư” dưới hai hình thức: Góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu sáng chế và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng sáng chế.
Bốn là, chuyển giao máy móc, thiết bị: Các chủ thể có quyền chuyển giao máy móc, thiết bị đi kèm các đối tượng bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ; Phương án, quy trình công nghệ, giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, công thức, phần mềm, máy tính, thông tin dữ liệu; Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ.
Các bước chuyển giao tài sản trí tuệ là sáng chế
Bước một, đăng ký bảo hộ sáng chế: Mục đích của bước này là nâng cao giá trị của sáng chế và bảo vệ được quyền lợi của chủ sở hữu sáng chế trong quá trình chuyển giao.
Bước hai, định giá sáng chế: Đây là bước quan trọng làm tiền đề để tiến hành các hoạt động chuyển giao bằng độc quyền sáng chế tiếp theo. Có nhiều phương pháp định giá sáng chế như tình trạng pháp lý của sáng chế; Pương pháp định giá từ tiếp cận thị trường; Phương pháp định giá từ tiếp cận chi phí; Phương pháp định giá từ tiếp cận thu nhập; Phương pháp định giá dựa trên mô hình phân tích thứ bậc (Analytic Hierarchy Process – AHP).
Bước ba, đánh giá tiềm năng thị trường của sản phẩm hoặc quy trình ứng dụng sáng chế. Nói cách khác, thị trường có chấp nhận sản phẩm hoặc quy trình đó hay không. Có hai khả năng xảy ra:
Thứ nhất, sản phẩm hoặc quy trình ứng dụng sáng chế không thể bán được. Các nhà sáng chế, doanh nghiệp thương mại hóa phải cùng nhau tìm ra được lý do tại sao công nghệ mới này không bán được. Khi đã có câu trả lời chính xác, nhà sáng chế cần nghiên cứu cải thiện các tính năng và công dụng của sản phẩm hoặc quy trình ứng dụng sáng chế.
Thứ hai, sản phẩm hoặc quy trình ứng dụng sáng chế có thể bán được và đem bán. Đến giai đoạn này, hàng loạt các hoạt động phục vụ cho chuyển giao công nghệ diễn ra với mục đích để giao dịch thành công. Trong trường hợp giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao có quá nhiều bất đồng không đi đến thống nhất, giao dịch sẽ không xảy ra. Trong trường hợp giao dịch diễn ra thuận lợi, bên nhận chuyển giao sẽ tiếp nhận công nghệ và thực hiện các khâu trong hoạt động đầu tư vào sản xuất hay mở rộng ứng dụng.
Nhận thức của doanh nghiệp về tài sản trí tuệ là sáng chế
Thực tế thực hiện các biện pháp tăng cường nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ, nhất là bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đã gia nhập hiệp định thương mại thế hệ mới (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA)) cho thấy, những nhận thức về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trên địa bàn khu vực Tây Nguyên vẫn còn hạn chế, chưa giải quyết được tốt nhất những vấn đề nảy sinh.
Thứ nhất, Doanh nghiệp chưa xây dựng được chiến lược sở hữu trí tuệ. Mục tiêu chính của các doanh nghiệp là bảo vệ các thành quả sáng tạo trí tuệ, trong đó có sáng chế. Bảo đảm rằng sáng chế của doanh nghiệp mình không bị xâm phạm, sửa dụng và khai thác trái phép. Đồng thời, doanh nghiệp cần xác định rõ tài sản trí tuệ là sáng chế có vài trò như thế nào đối với sự phát triển của doanh nghiệp, từ đó đưa ra chiến lược quản lý phù hợp.
Thứ hai, Doanh nghiệp cần xác định đối tượng tài sản trí tuệ nào có khả năng được bảo hộ sáng chế, đảm bảo được đăng ký bảo hộ kịp thời, tránh để mất vào tay đối thủ cạnh tranh. Đảm bảo các sáng chế có khả năng được bảo hộ không bị bộc lộ cho bất kỳ chủ thể khác trước khi tiến hành tiến hành nộp đơn đăng ký. Một khi đăng ký bảo hộ và được cấp bằng, doanh nghiệp cần thiết sử dụng như một đòn bẩy để tìm kiếm các nguồn lực đầu tư cho doanh nghiệp.
Thứ ba, Doanh nghiệp chưa gắn chiến lược bảo vệ tài sản trí tuệ là sáng chế với chiến lược kinh doanh. Ví dụ như các yếu tố về xu hướng và nhu cầu của thị trường, chiến lược công nghệ, hiệu quả cạnh tranh cần phải được gắn liền với việc xác định các ưu tiên cho việc sáng tạo, bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ là sáng chế.
Thứ tư, Doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng bộ phận quản lý tài sản trí tuệ. Để thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch và chiến lược sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, có thể tự thực hiện trên cơ sở tổ chức xây dựng bộ phận chuyên trách về quản lý tài sản trí tuệ nhằm chủ động quản lý. Hoặc doanh nghiệp có thể thuê các văn phòng luật sư thực hiện việc quản lý thông qua hợp đồng thuê quản lý tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình