Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp bảo vệ danh tiếng, nâng cao giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần bảo tồn tri thức truyền thống được tích lũy trong lịch sử phát triển sản xuất của người dân địa phương
Khi tra cứu thông tin trên internet, luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự bất ngờ phát hiện một công ty Trung Quốc đã được Cơ quan nhãn hiệu Trung Quốc bảo hộ nhãn hiệu độc quyền Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê ở nước này vào năm 2011. Mặc dù Việt Nam là “chính chủ” - chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Buôn Mê Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) bảo hộ tại Việt Nam từ năm 2005, song do chưa được đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc nên cà phê Buôn Ma Thuột vẫn đứng trước nguy cơ bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu sang Trung Quốc bất cứ lúc nào. Ngay sau khi nhận được thông báo của luật sư Lê Quang Vinh, UBND tỉnh Đắk Lắk - đơn vị được giao quản lý CDĐL Buôn Ma Thuột đã nhanh chóng tiến hành khởi kiện, dù mất nhiều thời gian và chi phí song cuối cùng, chúng ta cũng “đòi lại” được CDĐL này.
Nhiều chỉ dẫn địa lý nổi tiếng ở Việt Nam như cà phê Buôn Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc,… đã bị xâm phạm ở nước ngoài. Nguồn: hanotour
Vụ kiện đầu tiên về xâm phạm CDĐL của Việt Nam đã cho thấy tầm quan trọng của đăng ký bảo hộ CDĐL cho sản vật Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài.
Không chỉ có một hình thức bảo hộ CDĐL
Khác với các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa thông thường (nhãn hiệu), CDĐL là dấu hiệu dùng để sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang CDĐL do điều kiện địa lý quyết định, bao gồm yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất,...) hoặc yếu tố con người (kỹ năng người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương,...). Chẳng hạn, Phú Quốc - CDĐL đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ cho sản phẩm nước mắm do có hương vị thơm ngon nổi tiếng: mùi thơm nhẹ, màu cánh gián đậm, trong tinh khiết, không có mùi tanh và amoniac. Những đặc tính này có được là nhờ “kỹ thuật khéo léo từ khâu chọn nguyên liệu, ủ chượp cá cơm trong những thùng gỗ được làm từ cây hộ phát, bời lời,... và kéo rút được người dân đúc kết và lưu truyền qua nhiều thế hệ”, theo đánh giá trong một ấn phẩm về CDĐL do Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện vào năm 2018.
Cách hiểu về CDĐL như trên của Việt Nam cũng tương đồng với nhiều quốc gia trên thế giới. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý bắt nguồn từ những quốc gia có nhiều sản xuất gắn với truyền thống sản xuất lâu đời ở các địa phương, tiêu biểu là các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Các quốc gia này sở hữu nhiều sản phẩm nổi tiếng như phô mai Roquefort (Pháp), bia Bayerisches Bier (Đức), ô liu Kalamata (Hy Lạp),... đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài EU. Thậm chí, có những thương hiệu nổi tiếng đến mức trở thành tên gọi chung ở một số quốc gia, chẳng hạn như Champagne - thương hiệu của một loại rượu vang sủi bọt nổi tiếng ở vùng Champagne (Pháp) đã được phiên âm thành một danh từ chung ở Việt Nam là “sâm panh”.
Pháp là quốc gia đầu tiên ban hành quy định riêng về bảo hộ CDĐL, ban đầu nhằm mục đích bảo hộ ngành sản xuất rượu vang của nước này, sau đó mới mở rộng sang tất cả các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm khác. Vào khoảng đầu thế kỷ XX, loài rệp rễ nho (phylloxera) đã tàn phá vườn nho ở các vùng làm rượu vang nổi tiếng của Pháp. Lợi dụng thời cơ này, rượu vang được sản xuất ở các khu vực khác đã giả mạo nhãn hiệu của những vùng này để trục lợi. Trước tình hình này, Pháp đã ban hành luật vào năm 1905, trong đó đưa ra khái niệm về tên gọi xuất xứ. Sau một vài lần sửa đổi và phát triển, đến năm 1935, Pháp đã ban hành một sắc lệnh riêng về “appellation d’origine controlée” (AOC - nhãn hiệu nguồn gốc có kiểm định) - một dạng của CDĐL, bao gồm cơ chế xây dựng và quản lý AOC. Việc kiểm soát chất lượng và sản xuất theo AOC đã giúp các sản phẩm nông nghiệp của Pháp xây dựng được thương hiệu riêng, giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại đến từ các nước khác. Hiện nay, Pháp là quốc gia có nhiều CDĐL nhất EU.
Thành công của Pháp đã gợi ý cho các quốc gia EU thực hiện theo. Năm 1992, EU đã ban hành các quy định về PDO (chỉ dẫn xuất xứ được bảo hộ) áp dụng với những sản phẩm có chất lượng/đặc tính duy nhất có được do môi trường tự nhiên hoặc phương thức sản xuất đặc thù của một vùng địa lý, mọi công đoạn sản xuất phải thực hiện ở chính khu vực đó; và PGI (chỉ dẫn địa lý được bảo hộ), cũng tương tự song ít nghiêm ngặt hơn, chỉ cần một công đoạn sản xuất hoặc chế biến tại khu vực đó là sản phẩm có thể đạt chứng chỉ PGI. Hai chứng chỉ này được áp dụng cho thực phẩm và rượu (wine). EU cũng đưa ra một chứng chỉ GI (chỉ dẫn địa lý), cũng tương tự PGI song được áp dụng cho đồ uống có cồn và rượu thơm (aromatised wines).
Nếu những quốc gia có nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống lâu đời như Pháp có xu hướng bảo hộ CDĐL thì những quốc gia ít sản phẩm như Hoa Kỳ lại không có quy định riêng về bảo hộ CDĐL. Do vậy, các CDĐL của nước ngoài chỉ có thể đăng ký bảo hộ tại Hoa Kỳ dưới dạng nhãn hiệu tập thể (nhãn hiệu thuộc sở hữu của tập thể các nhà sản xuất như hiệp hội, hợp tác xã,... các thành viên có thể sử dụng nhãn hiệu này nếu đáp ứng được các yêu cầu do hiệp hội đề ra) hoặc nhãn hiệu chứng nhận (do một tổ chức sở hữu và cho phép người khác sử dụng nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra).
Gia tăng xu hướng bảo hộ trên toàn cầu
Theo báo cáo của EU vào năm 2020, các sản phẩm mang CDĐL đã mang lại cho khu vực này khoảng 75 tỷ euro trong năm 2017, chiếm 7% tổng giá trị thực phẩm và đồ uống của EU. Trong đó, giá bán của một sản phẩm mang CDĐL trung bình cao gấp đôi so với sản phẩm tương tự nhưng không có chứng nhận. Ngoài lợi ích về kinh tế, CDĐL còn góp phần bảo hộ cả tri thức truyền thống và văn hóa - những yếu tố gắn liền với lịch sử phát triển của các sản phẩm mang CDĐL.
Chẳng hạn như Nhật Bản, kể từ khi ban hành đạo luật về CDĐL vào năm 2015, giá bán và lượng tiêu thụ các sản phẩm mang CDĐL đã tăng lên nhanh chóng. Tiêu biểu như quả lý chua đen Aomori - CDĐL đầu tiên của Nhật Bản, đã tăng gấp ba lần sản lượng bán ra thị trường trong quý I năm 2016 so với trước khi được bảo hộ CDĐL. Giá dưa Yubari cũng tăng 10% sau khi được công nhận là CDĐL. Ngoài những quy định nghiêm ngặt và tiêu chuẩn chất lượng, Nhật Bản cũng sử dụng các thông tin về nguồn gốc lịch sử các sản phẩm mang CDĐL để tiếp thị, quảng bá và góp phần duy trì nền sản xuất nông nghiệp địa phương.
Với những quốc gia có nhiều sản phẩm truyền thống và đang bước vào nhiều sân chơi quốc tế như Việt Nam, việc tăng cường đăng ký bảo hô CDĐL ở nước ngoài là điều đặc biệt cần thiết. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn như Nam Phi, dù có nhiều sản phẩm truyền thống nhưng lại không có cơ chế riêng về bảo hộ CDĐL, vì vậy, Nam Phi đối mặt với nguy cơ bị mất đi những thương hiệu nổi tiếng của mình. Chẳng hạn như hồng trà Nam Phi (Rooibos) đã nhiều lần bị các doanh nghiệp nước ngoài “nhăm nhe” đăng ký bảo hộ ở các nước khác, do vậy, năm 2019, Nam Phi đã xây dựng cơ chế bảo hộ CDĐL riêng. Liên minh châu Phi (AU) cũng đang triển khai chiến lược lục địa về CDĐL trên toàn khu vực này