Càng gần Tết, việc mua bán các loại thực phẩm "nhà làm" với hình thức chủ yếu là truyền miệng hoặc rao bán trên các trang mạng xã hội càng nhộn nhịp hơn. Có những thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh, chất lượng tốt, nhưng cũng không ít trường hợp người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng, không giống như những lời rao "có cánh"…
Hiện nay, tại nhiều đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, không ít người lựa chọn cách mua thực phẩm được rao bán trên các trang mạng xã hội. Phần lớn người tiêu dùng tin tưởng vào sự giới thiệu của người thân, bạn bè, hoặc những lời quảng cáo "có cánh" như: "Thực phẩm quê", "Thực phẩm nhà làm uy tín, chất lượng"; "Thịt gia súc, gia cầm tự nuôi, rau tự trồng, sạch 100%"... Có những người kinh doanh trên mạng xã hội đã gây dựng được niềm tin với khách hàng khi bán những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh, chất lượng tốt. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp mua phải những thực phẩm sạch "tự phong" mà chất lượng không lấy gì bảo đảm.
Chị Hoàng Ánh, ngụ tại quận Thủ Ðức cho biết, cơ bản chị đã đặt xong thực phẩm dùng trong dịp Tết sắp tới sau khi lướt một vòng Facebook bạn bè và Facebook một số hội nhóm kinh doanh thực phẩm "nhà làm". Do công việc cuối năm bận rộn, nên chị Hoàng Ánh chọn cách đi "chợ mạng". "Thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, các loại bánh, mứt, kẹo, trái cây… không thiếu thứ gì. Tôi đặt sẵn từ bây giờ nhưng đến trước Tết vài ngày, thậm chí có loại đến sáng 30 Tết họ mới giao hàng tận nhà, tôi thấy như vậy là rất thuận tiện", chị Hoàng Ánh nhìn nhận.
Chị Lan, nhà ở quận 9 cũng đã đặt hàng một số loại thực phẩm yêu thích cho gia đình dùng trong dịp Tết và biếu tặng bạn bè, người thân. Chị Lan cho biết, một số loại thực phẩm đặc sản vùng, miền phải đặt trước mới có hàng. Mua từ bạn bè hay bạn bè giới thiệu, chị tin tưởng, yên tâm về chất lượng.
Gần Tết, việc mua bán thực phẩm "nhà làm" trên các chợ mạng hoạt động khá tấp nập. Người bán, người mua trao đổi về chất lượng sản phẩm, số lượng cần mua, giá tiền bằng các comment (bình luận) trên mạng và thanh toán chi phí qua chuyển khoản, hoặc khi giao nhận hàng. Các loại thực phẩm "nhà làm" được rao bán chủ yếu là đồ khô, thực phẩm tươi sống hoặc đã chế biến sẵn và các loại đặc sản vùng miền. Chúng được giới thiệu là do chính người bán hay người thân quen trong gia đình tự tay chế biến từ nguồn nguyên liệu nuôi, trồng sạch, an toàn hay nguồn nguyên liệu được lựa chọn kỹ lưỡng từ chợ, siêu thị. Sản phẩm chế biến được cam kết không thêm bất kỳ chất bảo quản nào, không chất tạo màu, tạo mùi độc hại, sử dụng ngắn hạn…Trong đó, các loại mứt đứng đầu danh sách các sản phẩm được giới thiệu. Năm nay, thị trường xuất hiện thêm một số loại mứt dừa có màu tự nhiên như màu cam, đỏ của gấc, cà rốt; màu tím lá cẩm, màu xanh lá dứa, màu nâu của cà-phê… Giá bán dao động từ 130.000 đồng đến 300.000 đồng/kg.
Các vật phẩm thờ cúng, đồ ăn nhâm nhi ngày Tết cũng khá phong phú từ bánh chưng, bánh tét, gà luộc, dưa kiệu, hành chua, kim chi củ cải, tai heo ngâm giấm, giò lụa, lạp xưởng đến các loại khô bò, cá, mực. Ðặc sản vùng, miền thì có bê cỏ, bò cỏ, thịt ba rọi, muối kiến vàng, trâu gác bếp… Giá bán từ vài chục ngàn đồng đến cả triệu đồng/kg tùy loại, tùy nguồn gốc. Chợ mạng cũng không thiếu các loại rau, củ, quả được giới thiệu do nhà trồng hay lấy từ những nhà vườn uy tín.
Theo chị Phan Thùy Trang, một người chuyên bán các loại mứt, với những nguồn nguyên liệu như dừa, gừng, thơm, mãng cầu chẳng có chỗ bán nào cung cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cả. Vì thế, để bảo đảm an toàn, chị lựa chọn mua ở những chỗ quen biết, uy tín rồi tự, chế biến. Với những nguyên liệu không thể thiếu như đường, sữa thì đều là sản phẩm đóng gói có thương hiệu. Trong khi đó, chị Ngọc Tuyết, chủ một trang Facebook từng có kinh nghiệm ba năm làm khô bò, khô heo cho rằng, việc kinh doanh thực phẩm trên mạng dễ mà khó. Khó khi không được tin tưởng, còn nếu đã được mọi người tin dùng thì việc bán hàng trở nên dễ dàng. "Gia đình tôi ăn, bạn bè, người thân quen mua ăn, biếu tặng nên nguồn nguyên liệu tôi lựa chọn kỹ từ mối quen có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm ở chợ đầu mối. Quy trình làm cũng cẩn thận, không sử dụng chất bảo quản, phẩm màu", chị Tuyết khẳng định.
Nhiều người đã mua thực phẩm "nhà làm" trên chợ mạng cho biết, họ mua vì có niềm tin vào người bán, vì đó là bạn bè, người thân quen, do bạn bè giới thiệu. Còn việc người bán có giấy tờ chứng nhận nguyên liệu hay chứng nhận quy trình sản xuất sản phẩm đó an toàn hay không thì họ cũng không rõ.
Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Vinh Nhung cho biết, hiện nay chưa có quy định cụ thể, chi tiết đối với việc bán hàng thực phẩm trên mạng xã hội, cũng như chưa có đơn vị, cơ quan nào chuyên trách kiểm tra, kiểm soát chất lượng các loại thực phẩm này. Tuy nhiên, theo Luật An toàn thực phẩm, đã là thực phẩm thì phải bảo đảm an toàn vệ sinh cho người sử dụng bất kể bán ở đâu, bằng hình thức nào.
Vấn đề quan trọng là người tiêu dùng phải cẩn trọng, tỉnh táo khi chọn mua những thực phẩm yêu thích, nhất là trong những ngày Tết