Thực hiện công văn số 900/BNN-BVTV ngày 25/10/2017 của Bộ NN-PTNT về việc góp ý dự thảo Thông tư về bảo đảm an toàn thực phẩm nguồn gốc thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội vừa ban hành công văn 2325 góp ý một số đề xuất rất thiết thực.
Theo Chi cục BVTV Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ NN-PTNT có Thông tư 07/2013/TT-BNNPTNT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với rau quả, chè búp tươi đủ điều kiện bảo đảm ATTP trong quá trình SX, sơ chế”; Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT “Quy định việc kiểm tra cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp và kiểm tra chứng nhận cơ sở SXKD nông lâm thủy sản đủ điều kiện ATTP”; Quyết định số 1290/QĐ-BNN-TCCB về việc “Phân công, phân cấp trong việc kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành ATTP nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT.
Thực hiện nhiệm vụ được phân công, Chi cục BVTV Hà Nội đã kiểm tra, đánh giá, cấp cho cơ sở 254 Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho rau, quả, chè, diện tích cấp GCN là 7.201,9 ha, lớn nhất cả nước.
Đến tháng 9/2017, có 237 cơ sở được cấp GCN đã hết hạn với diện tích 6.953,5 ha, cơ sở được cấp GCN còn hạn đến năm 2018 là 17 cơ sở với diện tích 248,4 ha. Đặc biệt, chưa kiểm tra xếp loại cơ sở đủ điều kiện ATTP sản xuất rau, quả, chè thuộc trách nhiệm của Phòng Kinh tế cấp huyện.
Năm 2016 Chi cục BVTV Hà Nội kiểm tra, đánh giá, xếp loại 70 công ty, chi nhánh SXKD thuốc BVTV: có 7 cơ sở xếp loại A, 6 cơ sở xếp loại B, 14 cơ sở xếp loại C, 43 cơ sở không đánh giá (không đủ chỉ tiêu đánh giá, chiếm 61%), kiểm tra, đánh giá, cấp 641 GCN đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV cho cửa hàng, đại lý (chiếm 53%), cấp xã kiểm tra, đánh giá, xếp loại 164 cửa hàng (chiếm 13%).
Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng, bất cập của Thông tư số 07/2013/TT-BNNPTNT ở Khoản 3.3, mục III quy định “Việc lấy mẫu do người lấy mẫu được chỉ định hoặc có chứng chỉ đào tạo theo quy định của Bộ NN-PTNT” gây cản trở việc kiểm tra của các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã vì lấy mẫu kiểm tra chủ yếu do cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời thu tiền người tham dự tập huấn là không đúng khi chưa có quy định của Bộ Tài chính.
Bất cập của Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT là kiểm tra, đánh giá, chứng nhận và kiển tra, đánh giá, xếp loại cơ sở đủ điều kiện ATTP làm tăng số lần kiểm tra doanh nghiệp, cản trở doanh nghiệp SXKD, gây cản trở tự công bố chất lượng của doanh nghiệp; không có tác dụng kiểm soát chất lượng, làm tăng thủ tục hành chính, tăng công việc quản lý và tăng chi phí nhân công, kinh phí cho các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã trong khi đó thiếu nhân lực, chuyên môn và kinh phí phân tích mẫu dẫn đến hầu như không thực hiện.
|
Ảnh: LT-MH |
Thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NĐ-CP và 98/NĐ-CP của Chính phủ, Chi cục BVTV Hà Nội đề nghị Bộ NN-PTNT một số nội dung sau:
Thứ nhất, bãi bỏ Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT; Khoản 3.3, mục III, QCVN 01:132-2013; Điều 35, điều 36 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT; Điều 21, điểm b, khoản 2, Điều 21, điểm a, khoản 1, Điều 32 Nghị định 108/2017/NĐ-CP; chương II Dự thảo Thông tư về đảm bảo ATTP nguồn gốc thực vật.
Thứ hai, bổ sung các vi phạm về điều kiện buôn bán thuốc BVTV trong Nghị định số 31/2016/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung vi phạm về điều kiện buôn bán phân bón trong Nghị định số 163/2013/NĐ-CP.
+ Riêng trong lĩnh vực rau an toàn, Chi cục BVTV Hà Nội kiến nghị Chính phủ, các Bộ ban hành quy định về thông tin (tem, mã…) trên thực phẩm tươi sống bán lẻ để kiểm soát nguồn gốc xuất xứ khi lưu thông, thương mại trên thị trường; quan tâm sửa đổi những bất cập của chứng nhận VietGAP và quy định về SXNN hữu cơ cho nội tiêu và xuất khẩu.
+ Chi cục BVTV kiến nghị UBND TP Hà Nội quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng chợ đầu mối để kiểm soát toàn diện ATTP và thúc đẩy SXKD thực phẩm an toàn. Chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP; Phát triển chuỗi SX, tiêu thụ RAT truy xuất nguồn gốc đến hộ. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc BVTV, kiểm nghiệm ATTP và xử lý vi phạm.
|