UBND TPHCM đã công bố đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Trong đó, người dân được hưởng rất nhiều lợi ích…
Gắn với lợi ích của người dân
Lợi ích của người dân được thể hiện trong nhiều lĩnh vực. Ở lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông. Giải pháp thu phí thông minh, đậu xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi xe - đậu xe. Dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân tìm được lộ trình di chuyển phù hợp, giúp giảm ùn tắc...
Người dân trải nghiệm phần mềm công khai quy hoạch trực tuyến. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến - Phó ban thực hiện đề án: “Ở lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế… Các hệ thống lưu trữ đầy đủ dữ liệu về tình hình sức khỏe và lịch sử khám chữa bệnh của người dân, cho phép bác sĩ truy cập dễ dàng theo thời gian thực, chia sẻ giữa các bệnh viện. Các dữ liệu về hệ thống y tế, chỉ dẫn về dịch vụ y tế, an toàn thuốc, dịch bệnh, y tế dự phòng… có thể được chia sẻ dưới dạng dữ liệu mở để cung cấp thông tin cho người dân cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng. Các thiết bị đeo thông minh IoT có thể được triển khai phục vụ cho việc giám sát sức khỏe từ xa, kết hợp với các hệ thống phân tích giúp dự báo, cảnh báo…”.
Đề án cũng cho thấy trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP), người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về cấp phép vệ sinh
ATTP, từ đó đánh giá được nguy cơ rủi ro về ATTP của các cơ sở
kinh doanh thực phẩm trước khi lựa chọn sử dụng. Với lĩnh vực môi trường, khi thành phố giám sát được chất lượng môi trường theo thời gian thực, sẽ nhanh chóng xử lý các tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Thành phố cũng có thể cung cấp dữ liệu mở về chất lượng môi trường để người dân thấy được tình hình cải thiện các chỉ số qua thời gian. Ở lĩnh vực chống ngập, hệ thống cảnh báo và giám sát ứng dụng CNTT sẽ giúp theo dõi và cung cấp các thông tin về dòng chảy và thực hiện cảnh báo khi xuất hiện các tổ hợp bất lợi cho thành phố như mưa, triều cường và mực nước dâng cao để áp dụng các kịch bản ứng phó phù hợp của
hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp.
Ở lĩnh vực nguồn nhân lực và an ninh trật tự, người dân có vai trò quan trọng cũng như thụ hưởng các kết quả từ giải pháp của đô thị thông minh. Riêng với lĩnh vực chính quyền điện tử, hệ thống dịch vụ công tác trực tuyến tập trung đa dạng về hình thức truy cập sẽ giúp thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia các hoạt động của cơ quan nhà nước, công dân chỉ truy cập vào một địa chỉ và đăng nhập một lần để thực hiện toàn bộ các giao dịch với chính quyền. Trong lĩnh vực chỉnh trang và phát triển đô thị, các dữ liệu mở về quy hoạch đô thị cho phép người dân có thể truy cập và tìm thông tin một cách nhanh chóng trong các giao dịch, đẩy mạnh tính minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.
Tầm nhìn xuyên suốt
Tại buổi công bố đề án, lãnh đạo UBND TPHCM khẳng định rằng, tầm nhìn của từng lĩnh vực phải gắn kết với tầm nhìn chung của thành phố, được sự đồng thuận cao của người dân.
Tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao là những tiêu chí hàng đầu. Ở đây, lãnh đạo các cấp cần phải cam kết với tầm nhìn tổng quát của thành phố qua những hoạt động, chỉ đạo, định hướng cụ thể và xuyên suốt. Tận dụng được tầm ảnh hưởng của nhiều đơn vị, tổ chức, hiệp hội, cộng đồng…
Luôn lắng nghe, nắm bắt và phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân cũng là tiêu chí khi xây dựng đô thị thông minh. Sự đổi mới luôn phải được xuất phát từ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Người dân sẽ tham gia giám sát quản lý và xây dựng thành phố một cách sát sao…
“Khẳng định công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển, qua đó tận dụng tối đa các cơ hội phát triển không gian mạng, số hóa, kết nối và tích hợp các hệ thống, quy trình, dịch vụ phục vụ công tác dự báo và điều hành một cách tổng thể. Phải đảm bảo 4 chủ đề (chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân) đều được hưởng lợi ích từ việc ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu quá trình ra quyết định”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tóm tắt thêm trong đề án.
Để đề án mang lại kết quả như mong đợi, UBND TPHCM cũng cho thấy tầm nhìn gắn kết và huy động với các nguồn lực. Điều này được thể hiện ở việc chia sẻ và tái sử dụng các nguồn lực: Tuân thủ các tiêu chuẩn mở và kiến trúc hướng dịch vụ để đảm bảo tính đồng vận hành, tránh đầu tư trùng lắp. Tất cả dự án mới phải nghiên cứu khả năng chia sẻ và mở rộng nền tảng hạ tầng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng hiện hữu. Khuyến khích hợp tác sáng tạo cũng được đề cao thông qua giáo dục và hình thành nếp văn hóa - xã hội, sẵn sàng tiếp nhận đổi mới; đồng thời, xây dựng cơ chế chính
sách và hành lang pháp lý để triển khai các mô hình công tác, kinh doanh mới và có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp…