Thực phẩm không an toàn đang là nỗi lo của toàn xã hội. Ăn gì, uống gì để đảm bảo vệ sinh là câu hỏi thường xuyên của người dân.
Không một nền nông nghiệp nào có thể phát triển một cách bền vững nếu các nhà sản xuất không liên kết trên nền tảng tiêu chuẩn, chất lượng, phát triển
thương hiệu phù hợp với những mục tiêu phát triển xã hội, đáp ứng lợi ích và sức khỏe người tiêu dùng. Đó cũng là cách cùng nhau đẩy lùi “vấn nạn thực phẩm bẩn”.
Những người ngược dòng
Thực phẩm không an toàn đang là nỗi lo của toàn xã hội. Ăn gì, uống gì để đảm bảo vệ sinh là câu hỏi thường xuyên của người dân. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, thuốc an thần trong giết mổ gia súc và việc lạm dụng chất bảo quản trong
chế biến thực phẩm hiện đang ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan có trách nhiệm.
Trong khi đó, người tiêu dùng hoang mang khi bắt gặp thông tin trên báo chí hay mạng xã hội về những trường hợp có đủ giấy chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP,
HACCP... nhưng vẫn chỉ là làm đối phó, hình thức hơn là thực chất. Ngay cả những đơn vị chứng nhận cũng xảy ra tiêu cực, đã bị kiểm tra, phanh phui. Để tự ứng phó, một xu hướng đã và đang trở lại như thời tự cung tự cấp khi nhiều gia đình bảo vệ sức khỏe bằng cách tự trồng, thậm chí chăn nuôi trong “vườn nhà phố” ở tầng trên cùng - sân thượng.
Phải chăng điều đó giải thích vì sao tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm lần 6 - năm 2017 (Hi-tech Agro 2017) vừa được tổ chức ở Công viên Lê Văn Tám (quận 1), gian hàng trưng bày thiết bị, thậm chí cung cấp hẳn toàn bộ nhà màng, vật tư, hạt giống và tư vấn trồng trọt, lại được khách tham quan chú ý. Qua mỗi kỳ hội chợ lại xuất hiện những thiết bị công nghệ mới, hay được cải tiến, tạo ra tiện ích nhiều nhất cho việc trồng rau quả tại nhà phố. Trước đó, Hội chợ Giống nông nghiệp ở Trung tâm Công nghệ sinh học (quận 12) và các kỳ chợ phiên
nông sản an toàn, do Hội Nông dân TPHCM tổ chức ở Công viên Làng hoa Gò Vấp, cũng vậy. Nói như Tiến sĩ Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về nông nghiệp, đó là hậu quả của việc người tiêu dùng mất hết lòng tin vào các giấy chứng nhận trên thị trường của những cơ sở sản xuất!
Nhưng không phải tất cả nhà sản xuất đều vô lương tâm, vẫn còn có những nông dân chân chất, kiên quyết làm kẻ “ngược dòng” với suy nghĩ tạo ra sản phẩm an toàn cho mọi người. Đó là nông dân trẻ 9X Võ Văn Tiếng (sinh năm 1991, ngụ tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), người táo bạo tìm cách sản xuất lúa không sử dụng thuốc trừ sâu hay bất kỳ loại phân bón hóa học nào, với mong muốn sản xuất ra lúa sạch 100% phục vụ người tiêu dùng.
Những ngày đầu khởi nghiệp, mọi người xung quanh nghe ý tưởng này đều cho là không tưởng, thậm chí có người còn nói “bị điên”. Võ Văn Tiếng vẫn quyết tâm làm theo phương pháp hữu cơ và đã thành công bước đầu. Hoặc đó là chàng kỹ sư Bùi Thái Sơn (36 tuổi), có trang trại 30ha trồng nhiều loại trái và rau quả ở huyện Bình Long (Bình Phước); hay bạn Nguyễn Thị Lê Na trồng cam Vinh ở phía Bắc theo xu hướng “thuận theo tự nhiên”, bằng cách tự cân bằng hệ sinh thái trong vườn mà không có sự can thiệp nào. Rồi có những chủ doanh nghiệp giàu lòng trắc ẩn như doanh nhân Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, khi đồng hành với người khởi nghiệp ‘‘bị điên’’... Vẫn còn nhiều người như vậy, nhưng đang rời rạc và đơn lẻ.
Người tiêu dùng làm thay đổi hành vi người sản xuất
Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (Association of Food Transparency - AFT) được thành lập trong tuần qua là nơi tập hợp… những người ngược dòng. 59 thành viên là tổ chức, cá nhân (bao gồm chủ các trang trại, hợp tác xã, nhà khởi nghiệp nông nghiệp, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, cung ứng nguyên liệu, cung ứng dịch vụ…) đã đứng chung một chiến tuyến, quyết tâm nỗ lực sản xuất và cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, minh bạch thông tin, vì sức khỏe của mọi người, trong đó có bản thân mình.
Các doanh nghiệp tham gia AFT đều phải có các chứng nhận liên quan đến
chất lượng sản phẩm như HACCP, GlobalGAP, VietGAP, Chứng nhận Hữu cơ, chứng nhận đủ điều kiện
an toàn vệ sinh thực phẩm… Tất cả cam kết: Đưa thông tin minh bạch về sản phẩm, vì người tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng, vì uy tín và chất lượng thực phẩm Việt, tận tâm bảo vệ thương hiệu và cộng đồng thực phẩm minh bạch, không xâm phạm lợi ích chung và chính đáng của hội viên khác. Để qua đó đông đảo người tiêu dùng biết đến “thương hiệu AFT”, giúp cho thị trường của doanh nghiệp tham gia AFT được rộng mở.
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó ban An toàn thực phẩm TPHCM, cho rằng trong bối cảnh người tiêu dùng bị mất lòng tin, việc AFT ra đời là điều đáng trân trọng, sẽ là động lực để giúp cho việc sản xuất và kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng. Xu thế hiện nay không thể sản xuất hoặc kinh doanh mà không có sự hợp tác hay kết nối. Nếu AFT làm tốt việc kiểm tra nội bộ, đảm bảo làm đúng, minh bạch thông tin, sẽ hỗ trợ cho việc quản lý của Nhà nước. Thực tế cho thấy, dù doanh nghiệp hay nhà sản xuất có
chứng nhận HACCP, VietGAP, GlobalGAP... nhưng không phải tất cả đều tuân thủ, không ít trường hợp chỉ vì đối phó.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch AFT, cho rằng tình trạng thực phẩm chưa an toàn hiện nay có phần không nhỏ từ người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng ý thức hơn, không ham vì giá rẻ hay sự tiện dụng khi đi mua sắm, thì sẽ không vô tình tiếp tay cho thực phẩm bẩn có đất dung thân. Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Cúc cho rằng, sự kiên quyết của người tiêu dùng là động lực thay đổi hành vi của người sản xuất thiếu đạo đức.
Giáo sư Phan Văn Trường, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, ví von: “Dù phải chạy theo doanh số, lợi nhuận, nhưng đừng quên chúng ta là một đàn chim, có con đầu đàn và con cuối đàn. Nếu cầm tay nhau cùng đi thì cái ngưỡng muốn tới sẽ đến nhanh. Hãy tiếp sức để đẩy cái ngưỡng vô đạo đức bị lùi lại”. Ông lạc quan cho rằng, số đông là người thiếu thông tin, yếu đuối, chứ không phải thiếu đạo đức. Hãy cùng nhau chèo ngược dòng, để đến lúc nào đó sẽ là xuôi dòng