0908.326.779 - 0906.362.707
 

Muốn thực phẩm an toàn cần minh bạch

23/11/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Muốn thực phẩm an toàn cần minh bạch
Trước thềm Đại hội thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam (viết tắt là AFT), Dân Việt có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Thị Hồng Minh (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản) – Trưởng ban vận động thành lập AFT.

Thực phẩm an toàn cần minh bạch – đó là tôn chỉ của AFT. Minh bạch: là công bố đầy đủ và đúng những gì thật sự diễn ra trong quá trình nuôi trồng - sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm để người tiêu dùng hiểu rõ và có niềm tin vào sản phẩm của doanh nghiệp. Nguyên tắc minh bạch là không nói sai sự thật, sai những nội dung đã cam kết.

Thưa bà, hiện nay, thực phẩm bẩn là một vấn đề đáng quan tâm. Làm thế nào để người tiêu dùng phân biệt được thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch?

 muon thuc pham an toan can minh bach hinh anh 1

 TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ thủy sản – Trưởng ban vận động thành lập AFT

Để người tiêu dùng phân biệt được, trách nhiệm đầu tiên thuộc nhà sản xuất hoặc nhà phân phối. Họ phải giới thiệu, thông tin, thậm chí cung cấp kiến thức cho người tiêu dùng. Nhưng điều đó vượt quá năng lực của nhà sản xuất nhỏ và vừa ở Việt Nam. Đặc biệt, hộ nông dân không đủ khả năng làm điều đó khi phụ thuộc vào hệ thống thương lái.

Người nông dân sản xuất có phải là tác nhân của thực phẩm bẩn?

Người nông dân chỉ là một tác nhân phụ trong vòng xoáy thực phẩm bẩn. Vòng xoáy mà tất cả chúng ta đều tham dự, từ nhà sản xuất, phân phối, người tiêu dùng và cả nhà quản lý. Nếu không có người đủ tâm huyết, quyết tâm cắt ra thì không thoát khỏi vòng xoáy này được vì đó là vòng xoáy của lợi ích.

Phần lớn người tiêu dùng cần thực phẩm rẻ, đẹp, chuộng vẻ bề ngoài, không cần nhãn mác, ít quan tâm đến bao bì, nhãn mác. Chưa kể đa số người tiêu dùng cho rằng thực phẩm còn sống, còn xanh tươi là ngon, là sạch, an toàn.

Nhà sản xuất, phân phối lại chạy theo lợi nhuận, tìm mọi cách đưa ra sản phẩm đẹp mắt, vị đặc biệt càng tốt và lẽ tất nhiên phải sử dụng nhiều loại hóa chất, phụ gia. Nhà phân phối thì chú trọng vào sản phẩm bán được giá, nhiều người mua mà không nghĩ đến chất lượng, độ an toàn. Nhà buôn phân bón, thuốc hóa học, chất phụ gia thì quảng bá rất mạnh, họ chi phối các đại lý bán phân thuốc. Người nông dân làm sao biết bỏ hóa chất vào thực phẩm? Vì thương lái, nhà thương mại chỉ cách và yêu cầu. Còn nhà nước thì quản lý không tới, có thể nói rất kém hiệu quả. 

Tất cả những vấn đề này tạo nên thực phẩm bẩn. Thực phẩm bẩn nhiều, thực phẩm sạch mạo danh cũng có. Gieo nhân bẩn sao có thể gặt được quả sạch? Quả đắng nhận được là trong bữa ăn của chúng ta đều có bóng dáng thực phẩm bẩn. 

Vì thế, cần phải chọn mắt xích trong vòng xoáy đó để phá. Theo tôi, mắt xích chính là nhà sản xuất và nhà thương mại là quan trọng, dám bứt lên, phá ra khỏi vòng xoáy này nhưng mà rất khó.

 muon thuc pham an toan can minh bach hinh anh 2

Thực phẩm sạch cần minh bạch

Nhiều người nghĩ rằng thực phẩm sạch là không sử dụng chất hóa học?

Hiểu như thế chưa đúng. Minh bạch là thông tin về một sản phẩm nào đó đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chuẩn hữu cơ, hướng hữu cơ hay thuận tự nhiên... VietGAP, GlobalGAP  cho sử dụng hóa chất trong danh mục với liều lượng và thời gian sử dụng theo quy định. Thực phẩm cần phục vụ cho đại đa số, thế nên thực phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP là đảm bảo sức khỏe, phù hợp với đa số người dùng.

Những người không muốn dùng thực phẩm có hóa chất hoặc muốn góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nông dân thì dùng thực phẩm hữu cơ, hướng hữu cơ hoặc thuận tự nhiên với mức giá cao hơn.

Sản xuất thực phẩm sạch đúng nghĩa gặp những khó khăn nào, thưa bà?

Sản xuất thực phẩm sạch gặp nhiều khó khăn từ sản xuất đến việc mua bán. Ví dụ như trồng rau, nếu không dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ thì cần tốn nhiều nhân công và chi phí sản xuất tăng cao hơn so với dùng thuốc.

Sản phẩm sạch đẩy chi phí cao lên nên rất khó bán. Khi nhóm Công dân minh bạch tiếp xúc với những nông dân trồng rau ở Tu Tra, Đà Lạt, đã khuyên họ không nên sử dụng hóa chất vì gây nguy hiểm cho chính người sản xuất khi tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên. Chỉ vài hộ đã thử làm theo, nhưng sản phẩm không bán được. Họ biết rằng nếu cứ phun thuốc trừ sâu, dùng thuốc diệt cỏ thì trước hết sức khỏe của họ sẽ không đảm bảo, nhưng làm sạch thì không bán được.

Việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chất phụ gia, hóa chất trong sản xuất dường như đã ăn sâu vào tâm thức. Vì vậy, bây giờ bảo làm sạch, họ không tin là có người mua.

Thưa bà, người tiêu dùng liệu có tin có thực phẩm sạch không?

Bây giờ chúng ta phải chứng minh có thực phẩm sạch. Chính vì thế, một nhóm 16 doanh nghiệp và chuyên gia mới vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT). Trước mắt, với sự phối hợp cùng chuyên gia, hội viên phải kiểm soát lẫn nhau, để mọi người đều cung cấp thông tin đúng những gì đang làm, nhằm chứng minh cho người tiêu dùng tin có thực phẩm sạch. Có tin thì nhà sản xuất mới bán được thực phẩm sạch.

Trước mắt, lộ trình của Hiệp hội như thế nào?

Hiện nay, có 50 hội viên tham gia vào Hiệp hội Thực phẩm minh bạch. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra nội bộ, đảm bảo tất cả hội viên thực hiện minh bạch thông tin. Đồng thời sẽ tổ chức kênh tiêu thụ cùng với xây dựng nền tảng công nghệ thông tin. Sau khi tổ chức và kiểm soát trong nội bộ, sẽ công bố thực phẩm dán nhãn AFT để người tiêu dùng biết.

Việc kiểm tra nội bộ và kiểm tra chéo có sự tham gia của chuyên gia, nhà sản xuất sẽ được tiến hành thường xuyên. Nhà sản xuất là người trong nghề nên họ có thể nhìn qua là biết sản phẩm nào sử dụng hóa chất, sản phẩm nào không.

Trở ngại nào mà AFT sẽ gặp phải trong quá trình hoạt động ban đầu?

Vấn đề là tổ chức thị trường, làm sao tiêu thụ được sản phẩm minh bạch. Nếu muốn cho thực phẩm sạch, thông tin minh bạch lấn át được thực phẩm bẩn thì phải có vị trí trên thị trường. Không có thị trường và không được đón nhận thì nhà sản xuất không có động lực để làm tiếp.

Từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ sẽ được lợi ích gì khi tham gia AFT?

Có không ít nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhưng họ khá đơn độc vì người tiêu dùng mất lòng tin. Một doanh nghiệp đơn lẻ không đủ năng lực thay đổi niềm tin của người tiêu dùng.

Vì vậy, muốn thay đổi được người tiêu dùng, nhà sản xuất cần phải liên kết lại theo chuỗi, tạo sức mạnh cộng đồng. Và AFT sẽ kết nối để làm được điều đó, nơi họ được nói, được thông tin về thực phẩm sạch của họ.

AFT tạo ra sức mạnh cộng đồng để cùng nhau vực dậy niềm tin về thực phẩm sạch của người tiêu dùng. AFT sẽ giúp cho nhà sản xuất phát triển thị trường vừa giúp cho người tiêu dùng có địa chỉ tiêu dùng tin cậy.

Xin cảm ơn bà!

Hiện nay, có 50 hội viên tham gia vào Hiệp hội Thực phẩm minh bạch. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra nội bộ, đảm bảo tất cả hội viên thực hiện minh bạch thông tin. Đồng thời sẽ tổ chức kênh tiêu thụ cùng với xây dựng nền tảng công nghệ thông tin. Sau khi tổ chức và kiểm soát trong nội bộ, sẽ công bố thực phẩm dán nhãn AFT để người tiêu dùng biết. (Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng ban vận động thành lập AFT).
Lý Tín