Thời gian qua, các ngành chức năng TP Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, việc quản lý hiện nay vẫn "rối như canh hẹ" do số cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản chủ yếu nằm xen kẽ trong khu dân cư; nguồn nông sản, thực phẩm nhập khẩu chưa rõ ràng về nơi sản xuất, chủng loại, giá cả…
Khó truy xuất nguồn gốc
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua, các ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác kiểm soát chất lượng
nông sản, thực phẩm bán trên thị trường, nhưng tình trạng vi phạm vẫn tồn tại. Nguyên nhân do hoạt động của các
cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố hiện vẫn ở quy mô nhỏ, phân tán, sản phẩm cung cấp không đồng đều, chưa phát triển vùng chăn nuôi tập trung để cung cấp nguồn ổn định cho cơ sở giết mổ công nghiệp... Hiện 80% sản phẩm
thịt bán trên thị trường do các cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ cung cấp. Điều này cho thấy, một lượng lớn sản phẩm thịt tại các thị trường chưa được kiểm soát theo quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất
vệ sinh an toàn thực phẩm.
|
Lấy mẫu kiểm tra chất lượng hoa quả bán tại siêu thị. |
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và
thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, hiện nay việc quản lý nông sản, thực phẩm bán trên thị trường còn bất cập do nhân lực, kinh phí cho công tác hướng dẫn, kiểm tra, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu. Vấn đề này gây khó khăn cho việc chấp hành các quy định của nông dân, cơ sở sản xuất về an toàn thực phẩm và thiếu thông tin cho doanh nghiệp, người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm an toàn.
Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát thịt gia súc, gia cầm đông lạnh
nhập khẩu bộc lộ nhiều kẽ hở. Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Phạm Khắc Diến cho biết: Hiện thông tin về tình hình nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt còn hạn chế, chưa rõ ràng, cụ thể về xuất xứ, chủng loại, giá cả… Qua kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, bảo quản đối với thịt đông lạnh, cho thấy: Khi cơ sở xé lẻ đóng gói để bán thì việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng về
chất lượng sản phẩm, tem nhãn, hạn sử dụng… gặp nhiều khó khăn; phần lớn phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra 1.255 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, phạt hành chính hơn 3 tỷ đồng đối với 243 cơ sở vi phạm; tịch thu, tiêu hủy hàng chục tấn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ... |
Tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm
Để góp phần kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng: Thời gian tới, các đơn vị của Sở cần phối hợp với các huyện đẩy mạnh phát triển một số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Các sản phẩm phải có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc; do các doanh nghiệp và hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối,
bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị. Các đơn vị tập trung xây dựng các chuyên đề phù hợp về an toàn thực phẩm trong sản xuất, lưu thông, giết mổ,
sơ chế,
chế biến động vật, sản phẩm động vật; rau an toàn; xây dựng bản đồ số hóa về an toàn thực phẩm trong sản xuất rau an toàn để phổ cập rộng rãi tới người tiêu dùng.
Ngoài ra, các huyện đẩy nhanh tiến độ quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, quan tâm đến hệ thống bảo quản và chế biến; xây dựng mô hình quản lý giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm vệ sinh môi trường và kiên quyết dẹp bỏ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư.
Bên cạnh đó, các đơn vị của Sở NN&PTNT tập trung thanh tra, kiểm tra hoạt động: Sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, các chất cấm sử dụng trong sản xuất thức ăn và chăn nuôi; vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, bảo quản, nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm; thủy hải sản tươi sống; sản xuất,
kinh doanh rau hoa quả… Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của thành phố, chính quyền địa phương, hợp tác kiểm soát với các tỉnh bạn trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật khi đưa về Hà Nội tiêu thụ.
Các ngành chức năng cũng cần xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh trái quy định, vi phạm các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường giết mổ động vật, sản phẩm động vật đưa về Hà Nội và từ Hà Nội tới các tỉnh, thành phố khác. Đối với sản phẩm thịt nhập khẩu, các ngành chức năng cần kiểm tra nguồn gốc xuất xứ nước sản xuất, tem nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng…; nếu phát hiện vi phạm, cần niêm phong tiêu hủy theo quy định; từ đó kiên quyết loại bỏ tình trạng thịt “bẩn” lưu thông tạ thị trường, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng