Doanh nghiệp không muốn đưa hối lộ, nhưng thực tế nếu không có tiền, mọi việc không xuôi chèo mát mái. Vậy có cách gì để lời kêu gọi của Thủ tướng thành hiện thực?
Ai cũng ủng hộ chuyện doanh nghiệp không đưa hối lộ cho chính quyền. Chẳng ai muốn bỏ tiền ra để làm chuyện đó cả, nhưng vì sao họ vẫn phải làm?
Một câu hỏi khác: nếu không hối lộ, không đút lót cho chính quyền thì công việc của doanh nghiệp và của người dân có chạy, có xuôi hay không?
Chính vì thế, để lời kêu gọi của Thủ tướng thành hiện thực cần phải tìm nguyên nhân tại sao doanh nghiệp lại phải hối lộ cho chính quyền.
Vậy nguyên nhân từ đâu?
Đầu tiên, có thể thấy không ít chính sách và quy định không rõ ràng. Điều này tạo cơ hội cho một bộ phận không nhỏ cán bộ thực thi "hiểu" theo nhiều cách khác nhau, và "hiểu" theo kiểu nào cũng được.
Chẳng hạn, Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn vệ sinh thực phẩm có thủ tục "Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm".
Nhưng như thế nào là phù hợp thì hoàn toàn do ý chí của cán bộ thi hành mà không có bất kỳ một tiêu chuẩn hay tiêu chí nào để đo đếm sự phù hợp đó.
Và đó chính là một trong những lý do khiến người dân và doanh nghiệp phải bỏ chi phí không chính thức.
Thứ đến là đạo đức công vụ của không ít cán bộ công chức có vấn đề. Cho dù quy định hay chính sách đủ rõ ràng nhưng có không ít "công bộc" lại cố tình gây khó dễ, chậm trễ khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp
Chưa hết, cũng phải nói là tâm lý của không ít người dân, doanh nghiệp cho rằng phải chuẩn bị phong bì để đút lót hối lộ khi đến cơ quan công quyền để được giải quyết nhanh, không bị làm khó.
Chính vì thế, lắm lúc chi phí chính thức của một số dịch vụ rất thấp, chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng chi phí mà doanh nghiệp phải lót tay lại cao hơn rất nhiều.
Và một khi doanh nghiệp và người dân có tâm lý này và lắm lúc trở thành thói quen khó bỏ thì các cán bộ công chức lại khó cưỡng lại với phong bì, và thế là hối lộ trở thành vấn nạn ở nhiều nơi.
Vậy thì, để lời kêu gọi của Thủ tướng thành hiện thực thì chúng ta phải có cơ chế giám sát chặt chẽ những nơi mà chính quyền tiếp doanh nghiệp và người dân khi giải quyết thủ tục như lắp camera, đặt máy ghi âm để họ không dám, không có cơ hội nhận hối lộ.
Những cán bộ công chức làm tốt, có sáng kiến cần được khen thưởng, còn những ai làm sai, gây khó cho dân thì phải chế tài nghiêm minh.
Mặt khác, đối với người dân và doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm hiểu các chính sách, quy định pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình trước.
Khi nắm được chính sách rồi thì cơ quan công quyền sẽ không lo ngại bị gây khó khăn, sách nhiễu nữa.
Đặc biệt, Nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích các tổ chức trung gian làm dịch vụ công như đại lý thuế, trung tâm tư vấn, hỗ trợ về đăng ký kinh doanh… phát triển.
Các đơn vị trung gian này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân không phải mất nhiều thời gian, chi phí để tìm hiểu chính sách và đi làm các thủ tục tại cơ quan công quyền.
Hiện tại, các đơn vị này ở Việt Nam vẫn còn ít, nên giá của nhiều dịch vụ vẫn khá cao, nhưng một khi các tổ chức trung gian này phát triển thì giá sẽ cạnh tranh hơn.
Điều quan trọng là các tổ chức trung gian đó sẽ giúp cho xã hội phát triển khi người dân, doanh nghiệp xóa được tâm lý đưa hối lộ mới giải quyết được công việc của mình