Các bậc phụ huynh cũng không khỏi lo lắng vì sức khỏe, thể chất của con em họ không những bị ảnh hưởng ngay trước mắt mà còn về lâu dài...
Mối lo lắng của phụ huynh là dễ hiểu bởi họ đã đóng tiền đầy đủ nhưng bữa ăn trưa của con ở trường "có vẻ" rất nghèo nàn về dinh dưỡng. Thậm chí, nếu không kiểm soát tốt nguồn thực phẩm có thể con em họ phải đối mặt với ngộ độc thực phẩm.
Không nói đâu xa, ngay tại Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra những vụ việc mất
an toàn vệ sinh thực phẩm tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) và Trường Mầm non Lại Yên (huyện Hoài Đức). Truy nguyên nhân các sự việc trên cho thấy rõ sự chủ quan, lơ là trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm bữa ăn bán trú ở trường học. Đó là việc không thực hiện tốt quy trình tiếp nhận thức ăn an toàn, sử dụng nguyên liệu
chế biến thực phẩm rẻ tiền, chất lượng kém, nhân viên chế biến thực phẩm thiếu hiểu biết về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, cơ sở vật chất và điều kiện tại nơi chế biến, bảo quản thực phẩm không bảo đảm...
Về lý thuyết, các trường có
bếp ăn bán trú đều tuân thủ các yêu cầu quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm, chỉ ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, thực tế, chuyện đơn vị
kinh doanh thực phẩm thu mua rau không an toàn rồi đóng gói, dán mác an toàn để tiêu thụ không phải là không có... Để khắc phục tình trạng này, không ai bằng nhà trường và phụ huynh học sinh, hai “đầu mối” sâu sát, có nghĩa vụ, trách nhiệm cao nhất.
Về phía nhà trường, cần thành lập Ban Chỉ đạo bán trú, lập các tổ phục vụ bán trú, quy định trách nhiệm cho từng tổ, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Hằng ngày, phân công lãnh đạo nhà trường trực bán trú, phân công người giao nhận thực phẩm, kiểm tra chất lượng thực phẩm tươi sống, giám sát khâu chế biến, chia, cấp phát thức ăn, lưu mẫu theo quy định.
Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm việc công khai thực đơn, thực phẩm, đơn giá hằng ngày, bảo đảm chất lượng bữa ăn, khẩu phần ăn của học sinh; giám sát chặt chẽ các đơn vị sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Nếu phát hiện đơn vị nào vi phạm cần thông báo rộng rãi và xử phạt nghiêm để răn đe. Cùng với đó là tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác nuôi dưỡng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh.
Về phía Ban Đại diện cha mẹ học sinh cần tăng cường phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất việc tổ chức bữa ăn bán trú. Có lẽ lâu nay, khi nhiều trường “khoán trắng” việc lo bữa ăn bán trú cho các cơ sở cung ứng suất ăn sẵn thì vai trò của Ban Đại diện cha mẹ học sinh đối với chất lượng bữa ăn bán trú cũng khá mờ nhạt.
Do vậy, ngay từ bây giờ, việc giám sát phải được tăng cường, cụ thể là từ nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn, có minh chứng cụ thể.
Có thể nói, chăm sóc nuôi dạy trẻ là nhiệm vụ của không chỉ riêng ngành Giáo dục mà phải là sự chung sức của toàn xã hội, trong đó có chăm sóc sức khỏe thông qua bữa ăn bán trú. Do vậy, chúng ta không được phép lơ là vì có thể dẫn đến những hậu quả rất khó lường