0908.326.779 - 0906.362.707
 

Phát triển thương hiệu ngành ong gắn với an toàn thực phẩm

23/11/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Phát triển thương hiệu ngành ong gắn với an toàn thực phẩm
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển, mỗi năm, ngành ong của tỉnh với sản lượng hàng nghìn tấn đã đóng góp đáng kể cho sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập và giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn hộ dân. Tới đây, khi mật ong Hòa Bình được cấp nhãn hiệu chứng nhận, lợi thế sản phẩm này sẽ còn được nâng tầm.
Huyện Lạc Thủy có trên 19.100 ha rừng, hơn một nửa diện tích đó là nhãn, vải và cây ăn quả lâu năm. Đây cũng là nguồn thức ăn tự nhiên quý để khai thác ngành ong. Theo đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó phòng NN&PTNT huyện, mỗi năm, sản lượng mật ong của huyện đạt trên 100 tấn, tương đương hơn 20 tỷ đồng.

Tại huyện Lương Sơn, sản lượng ngành ong cũng đạt 60 - 70 tấn/năm, giá trị thu được từ sản phẩm hàng chục tỷ đồng. Một số địa phương như: Yên Thủy, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Kim Bôi, giá trị sản phẩm ngành ong cũng chiếm tỷ trọng đáng kể. 

Trong tỉnh đã xuất hiện nhiều hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX nuôi ong. Đơn cử như tại xã Hợp Đồng (Kim Bôi) hiện có hơn 10 hộ nuôi ong, bình quân mỗi hộ nuôi từ 100 - 200 đàn, bình quân sản lượng mật thu được 2 - 3 tấn. HTX nuôi ong xóm Yên Tân, xã Lạc Lương (Yên Thủy) có 11 thành viên tham gia, doanh thu từ mật ong năm 2017 đạt gần 1 tỷ đồng. Nhóm sinh kế nuôi ong xóm Tren, xã Tự Do (Lạc Sơn) có 17 hộ nuôi ong với số lượng trên 200 đàn. Hộ ông Bùi Hải Hòa, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) có 200 đàn ong, thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm…
 
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại mật ong nhưng chất lượng khác nhau. Để phát huy lợi thế ngành ong, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động thì nhất thiết phải xây dựng và hình thành thương hiệu để cạnh tranh được với sản phẩm của tỉnh khác, tiến tới xuất khẩu. Người nuôi ong trên địa bàn tỉnh chủ yếu nuôi ong nội, năng suất tuy không cao như giống ong ngoại nhưng dễ thích nghi với môi trường sống.
 
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, sản phẩm mật ong được người dân trong tỉnh phát triển tương đối tốt, tuy nhiên về quy mô còn ở mức độ nhỏ lẻ, tự phát, đặc biệt vấn đề kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp này gần như bỏ ngỏ. Hiện tượng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán ở nhiều nơi gây thiệt hại đối với người sản xuất chân chính và người tiêu dùng.
 
Mới đây, Sở KH&CN đã tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học, xây dựng quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và lựa chọn logo mật ong Hòa Bình, một trong những nông sản có thế mạnh của tỉnh và không lâu nữa, mật ong Hòa Bình sẽ có thương hiệu. Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản lưu ý: Khi được chứng nhận nhãn hiệu, các HTX, trang trại, các hộ sản xuất chế biến và kinh doanh mật ong sẽ được cấp mã số, đồng nghĩa với việc người nuôi phải tuân thủ các điều kiện về hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh mật ong nguồn gốc xuất xứ tại tỉnh, quy trình kỹ thuật. Mặt khác, để thương hiệu được bảo vệ và phát triển nghề ong, người nuôi ong phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, cam kết thực hiện nghiêm và đầy đủ các nội dung trong giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, được chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm và đảm bảo điều kiện VSATTP do cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cấp và theo tiêu chuẩn quốc gia
Bùi Minh