0908.326.779 - 0906.362.707
 

Thay đổi từ nhận thức

27/11/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Thay đổi từ nhận thức
An toàn thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. Làm thế nào để người sản xuất không bị ảnh hưởng bởi tiếp xúc hóa chất độc hại và người tiêu dùng không bị hủy hoại bởi dư lượng hóa chất trong thực phẩm là vấn đề của toàn xã hội. Thay đổi từ nhận thức chính là chìa khóa để tháo gỡ thực trạng này.
Cái khó của người sản xuất và người tiêu dùng

Khẩu hiệu “Hãy là người tiêu dùng thông thái” như lời cảnh báo đối với thực trạng thực phẩm không an toàn tràn lan trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, ít người tiêu dùng có thể xác định rõ nên chọn thế nào cho đúng sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch.

 

 

Người tiêu dùng tìm mua nông sản sạch tại điểm cung ứng thực phẩm an toàn của huyện Thanh Trì. Ảnh: Bá Hoạt

 


Chị Nguyễn Thị Thu (ở phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm) chia sẻ: Là người nội trợ, hằng ngày tôi rất băn khoăn, lo lắng bởi nông sản bày bán ở đây hầu hết không có nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không có người quản lý... Vì thế, chị Thu đã quyết định chọn giải pháp hạn chế mua sản phẩm ngoài chợ, bằng việc vào siêu thị cho yên tâm. Thế nhưng, giá cả ở siêu thị cao hơn ở ngoài chợ khá nhiều, nên đây là bài toán khó đối với những người nội trợ như chị Thu. Hơn nữa, bản thân chị Thu nhận thấy, ngay cả siêu thị cũng không thể đặt niềm tin bảo đảm an toàn 100%, bởi dư luận từng xôn xao siêu thị này, trung tâm thương mại kia bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc…

Đối với những người sản xuất nông sản cũng gặp không ít khó khăn cần được quan tâm tháo gỡ. Chị Nguyễn Thị Mai, chủ doanh nghiệp sản xuất rau sạch thương hiệu Vinh Hà (ở huyện Phú Xuyên) cho biết: “Ở góc độ người nội trợ, tôi hoàn toàn đồng cảm với cái khó của chị Thu. Chỉ khác và may mắn hơn là rau nhà trồng được theo phương pháp hữu cơ, nên tôi chỉ phải lo phần thực phẩm về động vật trong bữa ăn cho gia đình. Ở góc độ người sản xuất, hiện nay còn có nhiều cái khó, như làm thế nào để quy hoạch vùng nguyên liệu chất lượng tốt (giống), phân bón không hóa chất (phân vi sinh) và đặc biệt là kỹ thuật cải tạo đất thiếu dinh dưỡng hoặc chưa được làm sạch cần có chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật” - chị Mai nhìn nhận.

Cũng như chị Nguyễn Thị Mai, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trên cần được các cấp, ngành quan tâm thì mới giúp nông dân trồng được rau sạch theo phương pháp hữu cơ để phục vụ nhu cầu thị trường.

Hỗ trợ nông dân sản xuất sạch

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN& PTNT) cho biết: Hiện nay, nông dân tuy được Nhà nước quan tâm về cơ chế, chính sách, nhưng khi triển khai tại địa phương lại nảy sinh nhiều bất cập. Trước hết là nhận thức của người trực tiếp sản xuất, đa phần chạy theo lợi nhuận, nên tùy tiện dùng hóa chất cho cây trồng, vật nuôi, hoặc thiếu hiểu biết dùng quá liều lượng cho phép; thậm chí, do bị ép giá đầu ra sản phẩm, không ít nông dân chỉ tìm cách tăng năng suất mà “quên” phần chất lượng...

Về giải pháp, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng đề xuất nên có cơ chế giúp nông dân tổ chức kế hoạch sản xuất khoanh vùng trong diện hẹp nhưng bảo đảm tiêu chuẩn, sau đó nhân rộng; đồng thời có chế tài xử lý mạnh hơn để ngăn chặn tình trạng sản xuất bẩn...

Rõ ràng, công tác hỗ trợ để nông dân sản xuất trực tiếp là vấn đề then chốt, đóng vai trò quyết định cho nông sản sạch đến được với người tiêu dùng. Sàn kết nối cung cầu nông sản thực phẩm - AFDEX (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) ra đời là một ví dụ về hỗ trợ người sản xuất về giống, kỹ thuật sản xuất sạch và bao tiêu sản phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng ban Điều hành AFDEX, Sàn đã thực hiện vai trò “cầu nối” giúp nông dân yên tâm sản xuất sạch, người tiêu dùng được hưởng quyền lợi chính đáng; đẩy lùi hàng hóa kém chất lượng tràn lan, xây dựng văn hóa sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng minh bạch, chuẩn mực trung thực trong xã hội.

Ngoài ra, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với người sản xuất, người tiêu dùng và chính quyền các cấp là việc làm quan trọng, quyết định phần lớn đến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Về vấn đề này, mới đây, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 5996/QĐ-UBND ban hành bộ Tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã, cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố, căn cứ vào đó xét thi đua; quy trách nhiệm cụ thể cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp phường về việc kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đây là hành lang pháp lý cơ bản, rõ ràng để các địa phương triển khai thực hiện, từng bước đưa công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đi vào nền nếp.

Thiết nghĩ, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài là người tiêu dùng cần kiên quyết tẩy chay thực phẩm không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, mỗi người tự trang bị cho mình kiến thức nhận biết thực phẩm sạch qua các phương tiện thông tin đại chúng có kiểm chứng. Có như vậy, khẩu hiệu “Hãy là người tiêu dùng thông thái” mới trở thành hiện thực, tạo chỗ đứng vững chắc cho thực phẩm sạch, đẩy lùi thực phẩm không an toàn ra khỏi đời sống của từng cá nhân, gia đình, xã hội.
 
Linh Nhi