0908.326.779 - 0906.362.707
 

Quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp

01/12/2017    4.32/5 trong 8 lượt 
Quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp
Hiện nay, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y, chất bảo quản trong nông sản, thủy sản diễn ra khá phổ biến và đáng lo ngại. Để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, tiến tới mục tiêu tái cơ cấu Ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững,... công tác quản lý chất lượng từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng.

Theo ông Nguyễn Văn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, Chi cục thường xuyên tuyên truyền, tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm đến người sản xuất, tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, Chi cục phối hợp với các đơn vị trong ngành nông nghiệp tổ chức 46 lớp tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản. Cán bộ của Chi cục tuyên truyền, nhắc nhở các chủ cơ sở tuyệt đối không sử dụng kháng sinh, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, chất xử lý môi trường, phân bón ngoài danh mục quy định. Tổ chức 3 đợt kiểm tra về điều kiện bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh vào những đợt cao điểm như Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, Tết Trung thu tại 29 cơ sở, phát hiện và xử phạt 8 cơ sở vi phạm các quy định về VSATTP số tiền 25,5 triệu đồng. Ngoài ra, đã thực hiện 9 đợt kiểm tra chuyên ngành đối với 154 cơ sở để đánh giá, xếp loại định kỳ và giám sát hoạt động. Qua đánh giá xếp loại các yêu cầu về điều kiện có 70% cơ sở xếp loại A (đáp ứng các yêu cầu về điều kiện VSATTP theo quy định tại Thông tư 45/2014/TT của Bộ Nông nghiệp và PTNT), 30% cơ sở xếp loại B (chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện VSATTP).

 

 

Sản phẩm trứng gà của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển chăn nuôi gia công DABACO được cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn.

 

Cùng với sự phát triển kinh tế, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản của tỉnh đã kết nối với bếp ăn của cơ quan, trường học, doanh nghiệp. Nhu cầu đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP của các cơ sở ngày càng cao. Từ đầu năm đến nay, Chi cục tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho 120 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Tiến hành tập huấn, kiểm tra và xác nhận kiến thức về ATTP cho 1.300 người là chủ cơ sở chế biến và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, sơ chế biến nông lâm sản của 162 cơ sở. Tuy vậy, trên thực tế, số cơ sở nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận có tăng nhưng tỷ lệ rất khiêm tốn so với tổng số các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản trên địa bàn. Chưa kể, hành vi gian lận về chất lượng nông sản ngày càng tinh vi, việc thực hiện  thanh, kiểm tra đôi khi chưa nhận được sự hợp tác của chủ các cơ sở. Trong khi đó lực lượng chuyên môn còn mỏng, chưa có mạng lưới đến cơ sở. Về trang thiết bị, mặc dù mới đây, một số Test kiểm tra nhanh Salbutamol, Clenbuterol, E.coli, Salmonella Formol, Hàn the trong thực phẩm; máy kiểm tra nhanh dư lượng Nitrat (NO3-) trong rau củ quả được đầu tư thêm, nhưng số lượng và chủng loại các bộ Test vẫn rất khiêm tốn. Hầu hết các mẫu nông sản thực phẩm cần đánh giá được chất lượng một cách chi tiết như: dư lượng các chất độc hại, kim loại nặng, vi sinh vật đều phải gửi tới các Trung tâm, các Phòng thí nghiệm ngoài tỉnh.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, thời gian tới cần tiếp tục có sự tăng cường đầu tư về nhân lực, trang thiết bị, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, địa phương với người dân trong việc kiểm tra, giám sát. Đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, kiểm soát xác nhận sản phẩm an toàn nông sản, thủy sản và phát triển hệ thống phân phối bảo đảm an toàn để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc kiểm tra, ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản an toàn đối với các hộ nhỏ lẻ. Người tiêu dùng cũng nên lựa chọn các sản phẩm an toàn có nguồn gốc, xuất xứ; các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm. Cùng với đó cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng và kiến thức VSATTP cho người dân. Hướng dẫn, vận động người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng; thuốc thú y, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; chất bảo quản, phụ gia trong bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm và bảo đảm điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh

Nguyễn Tuấn