Thực tế, công tác quản lý
an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay còn nhiều bất cập. Dường như cơ quan quản lý mới chỉ nắm người “có tóc”, những doanh nghiệp làm ăn chân chính thì nằm trong tầm ngắm, trong khi việc kiểm soát ở những cơ sở nhỏ, lẻ còn rất lỏng lẻo. Thông tin được đưa ra tại một hội thảo về quản lý
dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do Sở Y tế Hà Nội tổ chức mới đây cho thấy, tại Hà Nội hiện có trên 5.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và qua kiểm tra, có khoảng 20% số cơ sở không bảo đảm
an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc rất lớn.
Tất nhiên đó chỉ là những con số thống kê được. Thực tế sẽ rất khác, nhất là khi đang có một bộ phận lớn người dân vẫn có thói quen dễ dãi khi lựa chọn các cơ sở kinh doanh,
chế biến có cung cấp thực phẩm, thức ăn ngoài đường phố. Trước một “ma trận” thực phẩm bẩn, người tiêu dùng dường như ngày càng mất niềm tin. Và trong khi các cơ quan chức năng chưa có giải pháp hữu hiệu “giải cứu” niềm tin của người dân thì nhiều người vẫn phải vật lộn tự tìm cách bảo vệ mình trước.
Dễ thấy, Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều quan tâm tới vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, từ xây dựng khung pháp lý với khá nhiều chế tài, tới các chỉ đạo sản xuất, kinh doanh... Nhưng thực tế vẫn còn không ít bất cập: Trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức trước vấn đề này; khoảng cách giữa Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm với thực tế người bán hàng có kiến thức, có thực hiện đúng “chứng nhận” hay không; thực trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng (một để bán, một để ăn)... vẫn còn là những câu hỏi day dứt.
Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và giới truyền thông cũng nhiều lần hô hào người dân hãy "nói không với thực phẩm bẩn". Nhưng, nói bao giờ cũng dễ. Hiệu quả như thế nào cần nhìn vào hành động. Nếu như chúng ta chỉ hô hào bằng khẩu hiệu, bằng những đợt ra quân “nóng” để rồi lại nhanh chóng “nguội lạnh” thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ đạt được mục tiêu xây dựng một xã hội an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi phải có sự bảo đảm từ gốc. Chỉ khi kiểm soát được “gốc”, mới biết được “ngọn”. Chính những mô hình nhỏ trong cộng đồng sẽ dễ dàng mang lại hiệu quả lâu bền hơn.
Dân gian có câu “mưa dầm thấm lâu”. Việc xây dựng những tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm hay các
cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát sẽ thực sự là những “đốm lửa” nhen lên trong cộng đồng về phương thức lựa chọn thực phẩm an toàn, ý thức về việc sử dụng thực phẩm có truy xuất nguồn gốc. Những mô hình này sẽ khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm một cách thực chất, nhất là trong sản xuất, kinh doanh.
Nhà thơ người Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmet từng viết: “Nếu anh không đốt lửa/Nếu tôi không đốt lửa/Thì làm sao bóng tối có thể trở thành ánh sáng...”. Thật vậy, “cuộc chiến” chống "thực phẩm bẩn", bảo đảm xây dựng một xã hội chỉ tồn tại thực phẩm an toàn với sức khỏe con người sẽ chỉ thành công khi có sự chung tay của cả xã hội, hành động thực sự từ mỗi người, mỗi tổ chức, cơ sở, có thể bắt đầu chỉ là những "đốm lửa nhỏ", mô hình nhỏ, những việc rất nhỏ..