Ước tính trong hơn 2 tháng cuối năm 2017, đầu 2018, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng thực phẩm tại Hà Nội sẽ tăng đột biến 30-50%. Lượng sản phẩm tràn ra thị trường ồ ạt kéo theo nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng gia tăng.
Mở cao điểm thanh tra, kiểm tra
Ngay từ đầu tháng 12-2017, tức còn khoảng 2 tháng nữa mới tới Tết nguyên đán 2018, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 6986/BYT-ATTP về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATTP dịp cuối năm. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố nhanh chóng triển khai hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt.
Cùng đó, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm ATTP theo Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP và Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương bắt đầu từ tháng 12-2017, phải khẩn trương tiến hành xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội xuân 2018.
Tại Hà Nội, các cơ quan chức năng dự báo, mỗi dịp Tết Nguyên đán đến nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đều tăng lên đột biến, nhiều loại hàng hóa thực phẩm tiêu dùng tăng 30-50. Vì thế, nguy cơ các loại sản phẩm không đảm bảo ATTP, hàng giả, sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ tràn ra thị trường vào dịp này rất cao.
Bởi vậy, nhằm đảm bảo ATVSTP cho người dân dịp Tết Nguyên đán 2018, ngay từ thời điểm này, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra, tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh và người dân tham gia đảm bảo ATVSTP.
Được biết, 9 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố đã kiểm tra 95.172 cơ sở, phát hiện 17.822 cơ sở vi phạm về ATTP, xử lý 21.705 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 533 cơ sở, phạt tiền 6.948 cơ sở với số tiền phạt: 33 tỷ đồng, hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm ATTP.
Theo Sở Y tế Hà Nội, công tác bảo đảm ATTP thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn như: một số nội dung trong văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất và chưa đầy đủ; phòng kiểm nghiệm tuyến thành phố chưa đáp ứng việc phân tích một số chỉ tiêu hóa lý, chất cấm, chất tồn dư có nguy cơ cao trong thực phẩm nông lâm thủy sản; đa phần cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ, thường xuyên biến động...
Lo nhất các mặt hàng nông sản, gia súc gia cầm
Bên cạnh mặt hàng bánh kẹo và bia, rượu, nước giải khát thì các loại nông sản như thịt, cá, trứng, sữa, rau quả... chính là mặt hàng thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng gia tăng mạnh nhất mỗi dịp cuối năm.
Vì thế, đảm bảo ATTP với các mặt hàng này luôn là nỗi lo lớn, đặc biệt với Hà Nội bởi hiện thành phố mới chỉ tự cung cấp được khoảng 60% nhu cầu, 40% còn lại phải nhập từ các tỉnh về.
Theo ước tính của cơ quan chức năng, lượng gia súc, gia cầm ra vào địa bàn Hà Nội thời điểm từ tháng 12-2017 đến tháng 3-2018 tới đây sẽ tăng 30% so với trung bình các tháng khác. Trước thực trạng trên, để đảm bảo ATVSTP, bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời không để dịch bệnh gia súc gia cầm xảy ra, Sở NN&PTNT Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể một cách quyết liệt.
Dự kiến từ nay đến đầu năm 2018, Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để người dân cùng chung tay phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm. Riêng ngành thú y sẽ triển khai tập huấn và xác nhận kiến thức ATVSTP cho gần 200 người hiện đang hoạt động trong các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm.
Cùng đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được tăng cường, đặc biệt tập trung vào các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối nông sản,… Đặc biệt, trong dịp tết này, trong quá trình kiểm tra, Hà Nội sẽ huy động xe chuyên dụng và dụng cụ chuyên ngành, test thử nhanh để kiểm tra chất cấm, chất tạo nạc, tồn dư kháng sinh trong nông sản nhằm xử lý vi phạm và cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng.
Được biết, từ đầu năm 2017 đến nay, ngành thú y Hà Nội phối hợp với các ngành liên quan đã tiến hành 4.933 buổi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, gia súc gia cầm, với số cơ sở được kiểm tra là 18.496. Đã xử lý vi phạm 1.530 trường hợp (tăng 9,4% so với năm 2016), trong đó phạt tiền 846 trường hợp với tổng số tiền phạt lên tới trên 2,5 tỷ đồng