Đáng lo ngại hơn là chỉ có 168 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh và 128 cơ sở được kiểm soát. Làm sao có thể yên tâm với những
cơ sở giết mổ nhiều "không": Không giấy phép, không bảo đảm vệ sinh thú y, không bảo đảm
vệ sinh an toàn thực phẩm, không bảo đảm môi trường...? Hệ lụy là sản phẩm giết mổ bày bán có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; dễ lây truyền dịch bệnh…
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Chính người tiêu dùng đang "tiếp tay" cho các lò giết mổ không bảo đảm vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Thói quen thích sử dụng "đồ tươi", tiện lợi cho việc dừng đỗ mua bán ở "chợ cóc", chợ tạm của không ít người tiêu dùng đã vô tình tiếp sức cho tình trạng giết mổ tự phát, tùy tiện bởi có cầu ắt có cung.
Nhưng không thể lấy đó làm lý do biện minh và đổ hết trách nhiệm cho người dân. Ngành Nông nghiệp thành phố và chính quyền cấp xã (theo phân cấp quản lý) được giao "gác cổng" mảng này, nhưng còn quá nhiều kẽ hở chưa kiểm soát. Và đó chính là lý do cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công (thậm chí ở ngày "chợ cóc", "chợ tạm", trong hộ dân…) lại đang "đè bẹp" cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp, bán công nghiệp có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tính chuyên nghiệp cao. Rõ ràng, để xảy ra tình trạng giết mổ diễn ra tràn lan, không thể kiểm soát, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở do chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao dù có không ít lý do được đưa ra để "bào chữa" như lực lượng mỏng, cán bộ không đủ năng lực chuyên môn,...
Tết là thời điểm nhu cầu thực phẩm tăng cao, vì thế, việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm cũng phải được tăng cường với những biện pháp kiên quyết từ cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương. Theo đó, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng (thú y, công an, quản lý thị trường…) và các địa phương trong kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm. Bởi thực tế, từ khi bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh đã xảy ra nguy cơ cao về tình trạng sản phẩm động vật chưa được kiểm dịch tuồn về các chợ bán cho người dân. Trong khi Hà Nội lại giáp ranh với nhiều tỉnh nên càng gây khó khăn cho công tác quản lý. Vì vậy, việc cần làm ngay là hoạt động của 9 chốt kiểm dịch liên ngành trên địa bàn thành phố phải được “sáng đèn” thường xuyên, liên tục theo quy định; đồng thời, cán bộ thực thi nhiệm vụ phải nâng cao trách nhiệm trước phần việc được giao…
Cùng với đó, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để đưa ra cảnh báo kịp thời; đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân, nhất là với chủ cơ sở giết mổ về trách nhiệm vệ sinh an toàn thực phẩm trước cộng đồng, thực hiện tổng tẩy uế môi trường, tiêm phòng…; định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ. Về lâu dài, cần tập trung quy hoạch và đẩy nhanh thực hiện hiệu quả quy hoạch các điểm giết mổ phù hợp với nhu cầu từng địa phương.
Với người tiêu dùng, việc tạo thói quen sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ vừa là việc làm thiết thực tự bảo vệ chính mình, vừa góp phần đẩy lùi những hành vi sản xuất,
kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của những mô hình thực phẩm sạch.
Các giải pháp đều đã rõ. Vấn đề là cần phải có những hành động thường xuyên, liên tục hằng ngày thay vì chỉ là những đợt ra quân cao điểm. Có vậy mới có thể duy trì quản lý tốt công tác giết mổ, bảo đảm an toàn thực phẩm, vì sức khỏe người dân