18/02/2019
4.6/5 trong 5 lượt Gần đây, Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu ngày càng cao đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, đây lại là cơ hội để nông sản Việt Nam thiết lập hướng đi, tạo vị thế mới ở thị trường Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
Yêu cầu ngày càng cao
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc đạt 8,75 tỷ USD, giảm 3,41% so với năm trước. Lý giải nguyên nhân, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, do Trung Quốc ngày càng siết chặt quản lý nhập khẩu, đóng nhiều tuyến cửa khẩu tiểu ngạch.
"Từ ngày 1-4-2018, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam qua cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), phải cung cấp thêm hình ảnh bao bì mới được thông quan. Trên bao bì phải có thông tin truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm (tên sản phẩm, nguồn gốc, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh); doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn bổ sung thông tin mã vạch, mã QRcode hoặc tem chống hàng giả… Đáng chú ý, từ ngày 1-6-2019, các lô nông sản của Việt Nam muốn vào thị trường này phải có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, thông tin vùng nguyên liệu...", ông Nguyễn Quốc Toản thông tin.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam nên những động thái trên đã gây áp lực không nhỏ với nhiều doanh nghiệp trong nước. Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam Nguyễn Ngọc Nam cho biết: “Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, với 23,7% thị phần. Nhưng từ tháng 6-2018 đến hết năm 2018, Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50%, cùng với đó, điều kiện nhập gạo của Việt Nam cũng siết chặt hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, vùng nguyên liệu... khiến lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này giảm đáng kể”.
Mới đây, theo thông tin từ Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại TP Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), nhằm bảo đảm vệ sinh, an toàn dịch bệnh, Hải quan Quảng Tây chính thức yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu trái cây thay đổi vật liệu đệm, lót nông sản (Việt Nam hiện chủ yếu sử dụng rơm) trong quá trình vận chuyển bằng các chất liệu không gây hại, không có sinh vật truyền nhiễm (như xốp lưới) từ tháng 5-2019 (quy định này đã có song trước đây thực hiện chưa nghiêm).
Hướng đến xuất khẩu chính ngạch
Ngoài những thách thức trước mắt, có thể thấy, việc thị trường Trung Quốc siết chặt nhập khẩu nông sản Việt về lâu dài sẽ hạn chế tối đa những rủi ro thường xảy ra trong xuất khẩu tiểu ngạch. Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Trần Thanh Nam, việc nâng cao yêu cầu về an toàn thực phẩm và nguồn gốc là xu hướng chung của thế giới chứ không riêng Trung Quốc. Trung Quốc vốn là thị trường truyền thống, nhiều tiềm năng; Việt Nam lại giáp Trung Quốc nên có lợi thế trong vận chuyển. Nếu doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, dư địa xuất khẩu sang thị trường này rất lớn. Hiện, đã có 8 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm. Bộ NN&PTNT tiếp tục đàm phán cho các loại trái cây khác như: Sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, na, măng cụt... được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Đồng quan điểm, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc từ nhiều năm nay, chia sẻ: "Để duy trì tiêu thụ bền vững tại thị trường này, doanh nghiệp đã chủ động kiểm soát chất lượng sản phẩm, thậm chí kể cả chỉ tiêu mà phía bạn chưa yêu cầu, bởi không chỉ Trung Quốc mà đối với hầu hết thị trường trên thế giới đều coi trọng việc xây dựng thương hiệu, định vị chất lượng sản phẩm". Còn ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã Suối Lớn (tỉnh Đồng Nai) bày tỏ, xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc là hướng phát triển của doanh nghiệp, vì theo đường tiểu ngạch rủi ro rất lớn, người trồng dễ bị ép giá...
Trước các quy định mới từ phía Trung Quốc, Bộ Công Thương đã khuyến nghị các thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc... Trong trường hợp vườn trồng trái cây và doanh nghiệp đóng gói chưa nằm trong danh sách đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đăng tải, doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với Bộ NN&PTNT để được hướng dẫn cụ thể.
Hiện nay, quan điểm của Việt Nam và Trung Quốc về nông sản Việt khi xuất khẩu tới thị trường này là hướng tới chính ngạch, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật. Do đó, ngoài việc thay đổi hình thức sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu tập trung bảo đảm số lượng và chất lượng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đầu tư tương xứng về máy móc công nghệ trong chế biến, bảo quản, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Có như vậy, nông sản Việt Nam sẽ tạo được vị thế tốt không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà còn mở rộng tới nhiều thị trường kỹ tính, tiềm năng khác trên thế giới.
“Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để đồng hành với doanh nghiệp, người sản xuất trong xuất khẩu nông sản nói riêng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định ĐỖ MINH - THANH HIỀN