0908.326.779 - 0906.362.707
 

Quy định nhiều, vẫn bó tay với rượu nút lá chuối?

21/05/2018    4.67/5 trong 6 lượt 
Quy định nhiều, vẫn bó tay với rượu nút lá chuối?
Mới đây, Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước.
Dự thảo này được xây dựng để hướng dẫn Nghị định 105/2017/NĐ-CP về sản xuất kinh doanh rượu và một trong những mục tiêu chính là để kiểm soát “rượu nút lá chuối”.
 
Tuy nhiên, đây là lần thứ 2 câu chuyện dán tem được Bộ Tài chính đưa ra mà thực tế kiểm soát rượu thủ công không giấy phép vẫn là bài toán chưa có lời giải. 
 
Thay 3 nghị định vẫn không kiểm soát nổi
 
Liên quan tới quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định gồm Nghị định 40/2008, Nghị định 94/2012 và mới đây nhất là Nghị định 105/2017 sản xuất kinh doanh rượu. Đi kèm với đó là 3 thông tư hướng dẫn về việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước của Bộ Tài chính và nay là dự thảo cũng về vấn đề dán tem của Bộ Tài chính.
 
Dù có những điểm khác nhau nhưng dán tem vẫn là một trong những biện pháp quan trọng để quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu. Trên thực tế, việc dán tem cho rượu nhập khẩu và sản xuất trong nước đã được thực hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc kiểm soát rượu sản xuất thủ công vẫn là bài toán khó.
 
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) cho biết: “Từ trước đến nay đã có 3 nghị định về sản xuất và kinh doanh rượu. Như vậy, về mặt văn bản pháp lý thì ngày càng tốt hơn. Chủ trương dán tem để kiểm soát rượu là tốt. Thực tế là hiện nay, đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, các doanh nghiệp lớn thì việc yêu cầu dán tem đều được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ.
 
Tuy nhiên, nhiều khi chính sách đưa ra chưa phù hợp với thực tiễn. Hiện số lượng rượu tự nấu thủ công, không rõ nguồn gốc, chất lượng chiếm đến 70% mà không thể quản lý được. Những đối tượng này không đăng ký kinh doanh, nấu rượu không đảm bảo ATVSTP, có thể dẫn tới tình trạng gây ngộ độc chết người.
 
Trong khi số lượng doanh nghiệp sản xuất rượu có đăng ký, đóng thuế, chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng chỉ chiếm 30%. Như vậy việc dán tem hiện nay chỉ có tác dụng đối với 30% số doanh nghiệp làm ăn chân chính, là các doanh nghiệp “có tóc” để nắm, còn 70% số cơ sở nấu rượu thủ công, rượu lậu thì nghị định không quản lý nổi. Ngay cả dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính cũng không thu được thuế của 70% cơ sở nấu rượu thủ công.
 
Cùng quan điểm, ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) - thừa nhận việc kiểm soát rượu tự nấu là rất khó vì loại rượu này sản xuất trong dân. Theo thống kê sơ bộ thì rượu này chiếm 2/3 thị trường, trong khi đó ngành rượu trong nước chỉ chiếm khoảng 10% thị phần.
 
Dán tem không là chưa đủ
 
Bàn về giải pháp cho câu chuyện quản lý “rượu nút lá chuối”, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA - cho rằng việc dán tem là không đủ và “có quản lý được đâu”.
 
Ông này nhận định vấn đề quan trọng hiện nay là Bộ Y tế đưa ra luật an toàn thực phẩm để quản lý.
 
Còn ông Trần Hùng khẳng định một mình cơ quan QLTT quản lý thì không đủ sức mà phải có sự tham gia và vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Cục ATVSTP (Bộ Y tế), thuế, công an, chính quyền địa phương.
 
Khó khăn nhất hiện nay là quản lý rượu trong dân doanh vì nó sản xuất thủ công nên chứa rất nhiều độc tố gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dùng, chưa kể việc một số đối tượng làm rượu giả bằng cồn công nghiệp. Vậy để bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ của người dùng, chúng ta phải có sự phối hợp chặt giữa Bộ Y tế và Bộ Công Thương chỉ đạo các cấp cơ sở thực hiện nghiêm việc quản lý các hộ nấu rượu dân doanh, các Cty sản xuất rượu, sản xuất cồn công nghiệp kiểm soát tốt các đầu ra, đặc biệt là hướng các hộ sản xuất rượu vào thành hiệp hội để sản xuất theo quy trình, quy chuẩn có như vậy mới kiểm soát được.
 
Nhận xét về thông tư đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính, một chuyên gia trong ngành cho rằng thông tư này còn thiếu nhiều nội dung so với thông tư cũ khi chưa đề cập tới trách nhiệm kiểm tra và chế tài xử lý.
 
Còn theo ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, với “rượu nút lá chuối” do dân tự nấu, bán theo kiểu “cắp nách”, chở xe bán rong bán dạo trên các ngõ ngách của thành phố hoặc nấu bán cho nhau tại các làng quê thì không thể dán tem để quản lý.
 
“Vì, có khi rượu nấu hôm nay xong, mai đã bán xong hết, thì làm sao dán tem? Ai là người dán? Nếu họ âm thầm “nấu lậu” thì làm sao dán được? Hơn nữa, khi chưa có chứng cứ, thì chính quyền địa phương cũng không thể tự ý vào nhà để kiểm tra, xử lý. Do đó, ông Độ cho rằng, để quản lý rượu “quốc lủi”, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các cơ quan liên quan nên có giải pháp khả thi và thực tế hơn.
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) - cho rằng, để việc quản lý rượu tự nấu của dân khả thi, đòi hỏi sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương để kiểm tra, xử lý. Để tạo điều kiện cho chính quyền có thể vào cuộc, thì cần có quy định và cơ chế để sự kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương không vi phạm quy định của pháp luật. 
NHÓM PV