Trước tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) sai sự thật, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã liên tiếp đưa ra cảnh báo. Tuy nhiên, để giúp người tiêu dùng tránh "tiền mất, tật mang", cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa.
Liên tiếp cảnh báo
Chỉ từ đầu tháng 10/2018 đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra 8 cảnh báo với hơn 20 sản phẩm vi phạm quảng cáo trên nhiều website. Ngay cả các sản phẩm đã có “chỗ đứng” trên thị trường như TPCN Nga Phụ Khang, Rocket, Roket 1h, Nattospes cũng vi phạm
nội dung quảng cáo trên một số website. Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, có không ít TPCN, TPBVSK vi phạm quảng cáo trên nhiều website nhưng không có đơn vị nào nhận trách nhiệm, các công ty có sản phẩm được nêu tên thì cho rằng họ không quảng cáo sản phẩm trên các trang web đó. “Với các sản phẩm trên các website không phải do đơn vị sản xuất,
nhập khẩu công bố thì khó có thể đảm bảo chất lượng, an toàn theo công bố đã được cơ quan thẩm quyền xác nhận. Rất có thể đó là hàng giả, hàng nhái” – ông Phong nhấn mạnh.
Để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc kiểm soát chất lượng TPCN, Cục An toàn thực phẩm đang xây dựng Nghị định quản lý TPCN, trong đó quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang tăng cường thanh, kiểm tra nhằm phát hiện các sai phạm theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong |
Thực tế, không ít người tiêu dùng vì quá tin vào lời quảng cáo trên các website mà mua phải TPCN giả, thậm chí là sản phẩm chứa chất cấm. Lần theo các website quảng cáo TPCN giảm cân, cuối tháng 8 vừa qua, Công an quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện và thu giữ hơn 1.000 gói thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc giảm cân tại một cơ sở ở phường Đông Ngạc. Qua kiểm nghiệm, phát hiện sản phẩm chứa hoạt chất Sibutramine cấm nhập khẩu vào Việt Nam do có khả năng gây nguy hiểm tính mạng với người sử dụng. Hay như trường hợp Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dược phẩm Hà Thanh (Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội) đã bán sản phẩm giảm cân “Họ Nguyên new” với giá 900.000 đồng/gói trong một thời gian dài trên website mà không được cơ quan thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo. Sản phẩm này cũng không có tiêu chuẩn công bố áp dụng. Ngay sau khi phát hiện, Công ty này đã bị buộc ngừng tiêu thụ sản phẩm và bị phạt 36 triệu đồng.
Mới đây nhất, Cục An toàn thực phẩm sau khi rà soát đã phát hiện thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên xương khớp đang quảng cáo trên các website: xuongkhopminhthang.net, xk1.dongyminhthang.net có nội dung quảng cáo không đúng với quy định, không đúng sự thật, được quảng cáo như một loại thuốc điều trị dứt điểm bệnh lý về xương khớp.
Kiểm soát chặt chẽ
Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư Nguyễn Trung Cấp cho biết, không ít trường hợp bệnh nhân mắc viêm gan mất “thời gian vàng” điều trị do tin tưởng và sử dụng TPCN nhưng không hiệu quả. Thậm chí, nhiều bệnh nhân ung thư lại kiên quyết không đến bệnh viện điều trị mà ở nhà dùng TPCN với những lời quảng cáo "trên trời". Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong khẳng định, TPCN chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì vậy, việc quảng cáo quảng cáo TPCN như “thuốc tiên” trị bệnh là hành vi gian dối, không thể chấp nhận.
Theo ông Phong, trong quá trình thanh, kiểm tra cho thấy, những chiêu thức quảng cáo TPCN đang được các đối tượng sử dụng rất tinh vi trên mạng xã hội, hình thức quảng cáo đa dạng, diễn biến phức tạp nên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nhất là việc sử dụng hình ảnh một số người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm nhằm đánh vào tâm lý yêu thích, tin tưởng của người dân. Ông Phong khẳng định, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát việc quảng cáo TPCN, TPBVSK, đưa ra các cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, trong khi thị trường TPCN vẫn “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng cần sáng suốt khi lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để bảo vệ chính mình.