0908.326.779 - 0906.362.707
 

Cục trưởng An toàn thực phẩm: Facebook cam kết gỡ quảng cáo nổ công dụng thực phẩm chức năng

30/09/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Cục trưởng An toàn thực phẩm: Facebook cam kết gỡ quảng cáo nổ công dụng thực phẩm chức năng
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, cơ quan này đã làm việc với Facebook nhằm siết chặt tình trạng quảng cáo "nổ" công dụng sản phẩm thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, lừa dối người tiêu dùng.

Người thân Cục trưởng cũng bị lừa vì quảng cáo "nổ" công dụng trên Facebook

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, tình trạng quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên Facebook diễn ra rất tràn lan.

"Chúng tôi ngày nào cũng phải vào kiểm tra, phát hiện rất nhiều những quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định "trị bệnh", "dùng một liều là khỏi", "đông y trị nhức xương khớp"...

Cục trưởng An toàn thực phẩm: Facebook cam kết gỡ quảng cáo nổ công dụng thực phẩm chức năng - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Cục trưởng An toàn thực phẩm: Facebook cam kết tháo gỡ quảng cáo "nổ" công dụng thực phẩm chức năng

"Những quảng cáo này lừa dối người tiêu dùng. Đây là nỗi bức xúc không chỉ của cơ quan quản lý mà của rất nhiều người tiêu dùng. Chính người thân của tôi cũng từng bị những quảng cáo "nổ" công dụng thu hút, đã mua và sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh", ông Phong nói.

 
 
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm bức xúc với tình trạng quảng cáo "nổ" công dụng thực phẩm chức năng trên Facebook.

Theo ông Phong, việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng thay thuốc chữa bệnh, đây là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Ví dụ, những bệnh nhân mắc bệnh nan y nếu phát hiện sớm, phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh. Hoặc chí ít cũng kéo dài cuộc sống.

Nhưng vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh nên không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn.

Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, khi quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao. 

"Hiện nay một số trang mạng xã hội, trang website về quản lý còn rất khó khăn, không phụ thuộc vào riêng Bộ Y tế. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng khác để xử lý tình trạng này", ông Phong thông tin.

Quảng cáo chữa khỏi bệnh là sai sự thật!

Trong lúc các cơ quan chức năng đang phối hợp để xử lý người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo cố hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh... Đây là những quảng cáo sai sự thật.

Cục trưởng An toàn thực phẩm: Facebook cam kết gỡ quảng cáo nổ công dụng thực phẩm chức năng - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Thực phẩm chức năng nhưng lại được quảng cáo "1 liều khỏi ngay" dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng là thuốc chữa bệnh. Ảnh: H.Hải

Với những vi phạm về quảng cáo, chúng tôi xử lý theo Luật xử phạt vi phạm hành chính. Vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành đã trình chính phủ ban hành Nghị định số 115 NĐCP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực An toàn thực phẩm thay cho Nghị định 178 trước đây. Theo đó, mức phạt, hình thức xử phạt đã tăng lên rất nhiều. Ngoài phạt tiền còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, thu hồi sản phẩm vi phạm và đặc biệt là công bố công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực tế, khi xử lý vi phạm về quảng cáo, chúng tôi mời công ty có sản phẩm hiện đang vi phạm quảng cáo, đặc biệt là trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thực tế cũng có trường hợp doanh nghiệp đó không đứng ra quảng cáo, mà những người làm đại lý của họ đứng ra để làm thủ tục quảng cáo.

Chính vì vậy, nếu xử lý doanh nghiệp thì không đúng với đối tượng vi phạm. Lúc đó, chúng tôi phải công bố trên trang website của Cục An toàn thực phẩm về tên sản phẩm đang vi phạm, địa chỉ trang website đang vi phạm, nội dung vi phạm. Đồng thời thông báo nội dung này sang Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng khác để cảnh báo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm đang quảng cáo tại trang website đó.

Đồng thời, chúng tôi có văn bản gửi Bộ Thông tin Truyền thông là đơn vị quản lý các trang website điện tử, thông báo rõ địa chỉ vi phạm, nội dung vi phạm để xử lý theo thẩm quyền.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi có sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông đã buộc phải tháo gỡ, và bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cũng có những trang website máy chủ đặt ở nước ngoài, hay trên Facebook, chúng tôi đã có hai buổi làm việc với đại diện Facebook cùng với Bộ Thông tin - Truyền thông.

 
 
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết sau khi làm việc với Facebook, Facebook cam kết gỡ bỏ những quảng cáo vi phạm

Hiện tại, phía Facebook đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để tháo gỡ và đóng các trang website, tài khoản vi phạm. Bộ Y tế cũng thiết lập đường dây nóng với cơ quan quản lý của Facebook tại Việt Nam để xử lý nhanh nhất những kiến nghị về vi phạm quảng cáo trên mạng xã hội.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh, hoàn toàn không được quảng cáo, ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh, không được dùng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cán bộ y tế, của cơ sở y tế để quảng cáo

Dân Trí