0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nổ công dụng thực phẩm chức năng trên mạng xã hội: Bất lực truy tìm chính chủ quảng cáo

09/09/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Nổ công dụng thực phẩm chức năng trên mạng xã hội: Bất lực truy tìm chính chủ quảng cáo
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện tượng quảng cáo trái quy định trên website, mạng xã hội nhan nhản, như “nấm mọc sau mưa”, cơ quan chức năng đau đầu tìm giải pháp nhưng chưa thể xử lý vấn đề này.

Không ai vô công rồi nghề quảng cáo miễn phí sản phẩm!

Hầu như tuần nào cơ quan này cũng phát đi những bản tin cảnh báo người dân không mua dùng sản phẩm quảng cáo trên website vì sai sự thật, quá công năng…mà chính công ty sản xuất sản phẩm cũng phủ nhận họ không thực hiện các quảng cáo này.

Mới nhất, Cục An toàn thực phẩm phát đi thông báo cảnh báo người dân không tin dùng, mua các phẩm Bảo vệ sức BOSSMEN được quảng cáo sai quy định, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng trên một số website: http://myphamthudo.com; https://magiamgiathang.com/, https://phuctuong.com.

Nổ công dụng thực phẩm chức năng trên mạng xã hội: Bất lực truy tìm “chính chủ” quảng cáo - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Trên website chính thức của Cục An toàn thực phẩm dày đặc những thông tin cảnh báo người tiêu dùng về các sản phẩm quảng cáo không... chính chủ.

Sản phẩm này được Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Phúc, (Địa chỉ: 9/18 Nguyễn Đình Khơi, Phường 04, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Trước những quảng cáo vi phạm quy định, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng trên các website trên, Cục An toàn thực phẩm đã làm việc với đại diện  Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Phúc.

Đại diện công ty này khẳng định sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe  BOSSMEN đang được quảng cáo trên các website trên không phải do Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Phúc thực hiện. Công ty không chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn theo công bố được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối với sản phẩm được quảng cáo trên các website này.

Hay như trên website: https://tiki.vn/thuc-pham-chuc-nang-vicumax-nano-curcumin-ho-tro-dieu-tri-viem-loet-da-day-20g-hop-p8032951.html. quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vi- Cumax Nano Curcumin vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Sản phẩm này được Công ty TNHH nhà máy CURCUMIN Bắc Hà, (Địa chỉ: Thôn Nam Đội Thân, Xã Nông Thượng, Thành phố Bắc Kạn.) công bố  và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Khi phát hiện nội dung quảng cáo lừa rối, Cục ATTP đã mời Công ty lên làm việc, tuy nhiên đại diện công ty khẳng định sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vi- Cumax Nano Curcumin đang quảng cáo trên website trên không phải do Công ty TNHH nhà máy CURCUMIN Bắc Hà thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng, và sẽ không được đảm bảo về chất lượng, an toàn theo công bố được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Những thông báo tương tự được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả trên website chính thức của Cục An toàn thực phẩm, với tần suất dày đặc.

Ông Phong trăn trở, trong số hàng trăm quảng cáo sai phạm được phát hiện, mời lên làm việc chỉ một số ít công ty thừa nhận, chịu phạt và gỡ bỏ. Còn lại đa phần “chối đây đẩy” rằng công ty không thực hiện quảng cáo sản phẩm trên website này.

Người đứng đầu cục An toàn thực phẩm cho rằng không ai rỗi hơi, vô công rồi nghề bỗng dưng quảng cáo miễn phí cho các sản phẩm mình không là chính chủ, không liên quan. Việc phủ nhận nội dung quảng cáo khiến các cơ quan quản lý vất vả hơn trong việc xác định, nhưng khi đã xác định sẽ phải xử lý nghiêm.

Đâu đầu vì đủ “mánh” bán hàng, lừa người tiêu dùng

Không chỉ quảng cáo quá công dụng sản phẩm, sai sự thật về sản phẩm trên mạng xã hội, trang mạng, nhiều công ty còn “tấn công” người tiêu dùng bằng cách trực tiếp gọi điện tư vấn sản phẩm.

TS Phong chia sẻ, ông từng nhận được cuộc điện thoại tư vấn giảm cân của nhân viên tự giới thiệu “Trung tâm giảm cân bà Dung tại Hà Nội” - vốn là một sản phẩm đã bị Bộ Y tế thu hồi giấy phép lưu hành.

Tiếp tục giả vai là người cần giảm cân với cân nặng 85kg, chiều cao 1m70, cô nhân viên mạnh dạn tư vấn ông Phong giảm 10kg, theo đó sẽ giảm số đo cả 3 vòng.

Khi bị “khách hàng” truy vấn có phải sản phẩm đã bị thu hồi giấy phép? Cô nhân viên khẳng định sản phẩm này đang được phép hoạt động, do Bộ Y tế cấp phép, mà đích thân Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm là ông Nguyễn Thanh Phong kí.

“Đến khi lộ diện, tự giới thiệu tôi là Nguyễn Thanh Phong đây thì đầu dây bên kia tìm cách… chuồn, gọi điện lại không liên lạc được”, ông Phong kể lại.

Ông Phong cho biết, hiện các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm hỗ trợ giảm cân đang rất “nóng”. Như với chính sản phẩm giảm cân bà Dung, trước đó có một công ty sản xuất nhưng sau đó do không phát triển được, công ty này đã chủ động có văn bản gửi đến Cục về việc ngừng sản xuất, kinh doanh và Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định thu hồi giấy phép. Nhưng sau đó xuất hiện các sản phẩm “bà Dung” biến tướng, được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.

Hay như với giảm cân bà Vần được quảng cáo ầm ĩ, gây sốt trên mạng xã hội, với nhiều người tin dùng do có nguồn gốc tự nhiên và "đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm" như lời chủ cơ sở quảng cáo, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Sở Y tế Lai Châu xác minh và được trả lời trên địa bàn, tại địa chỉ đăng kí kinh doanh trên sản phẩm không có lương y nào tên là “bà Vần” với sản phẩm giảm cân trên.

Cục An toàn thực phẩm cũng không xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Giảm cân Bà Vần” địa chỉ tại Làng Mô, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Nhưng sản phẩm này được quảng cáo ầm ĩ trên mạng, với tên gọi “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Giảm cân Bà Vần” số Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 44492/2017/ATTP-XNCB cấp ngày 30/11/2017.

Ông Phong cho biết thêm, các công ty kinh doanh có rất nhiều "mánh khóe" nhằm đẩy mạnh tiêu dùng các mặt hàng có nhu cầu lớn.

“Trong một lần kiểm tra trung tâm tư vấn khách hàng một nhãn sản phẩm, chúng tôi bất ngờ khi nhân viên đều là sinh viên. Họ chỉ trải qua vài ngày đào tạo, chỉ đào tạo về "hù dọa" và "nổ" về sản phẩm. Sau vài ngày, họ trở thành người biết “hù dọa” khách hàng được tư  vấn, dọa để khách hàng phải sử dụng sản phẩm”, ông Phong nói.

Theo TS Phong, việc quảng cáo “thổi phồng” tác dụng của sản phẩm rất nguy hiểm, không chỉ làm người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.

“Có lần tôi trực tiếp nhấc máy gọi tổng đài tư vấn thực phẩm chức năng với căn bệnh liên quan đến đốt sống và được tư vấn viên khẳng định dùng sản phẩm là khỏi bệnh”, ông Phong chia sẻ.

Ông Phong khẳng định, thực trạng tư vấn viên, người tư vấn giả làm bác sĩ, dược sĩ rất phổ biến. Trong khi bản thân họ không có kiến thức về y tế, thậm chí còn dọa dẫm về tình trạng bệnh tật, nói quá lên về mức độ nguy hiểm để gợi ý người tiêu dùng mua sản phẩm.

"Trong khi đó, TPCN chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, TPCN nên tuyệt đối không được ghi là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người", ông Phong nói.

“Quảng cáo quá mức khiến người tiêu dùng tin theo, lúc họ mắc bệnh thay vì đến bệnh viện, họ lại tin vào quảng cáo dùng sản phẩm đó để chữa bệnh. Hậu quả bệnh bệnh sẽ nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh, thậm chí với một số bệnh như ung thư sẽ mất đi “cơ hội vàng”, khi bệnh đã bước sang giai đoạn muộn”, ông Phong cảnh báo.

Hồng Hải