0908.326.779 - 0906.362.707
 

Quản lý thị trường thực phẩm chức năng: Còn nhiều bất cập

28/09/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Quản lý thị trường thực phẩm chức năng: Còn nhiều bất cập
Chưa bao giờ thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) ở nước ta lại phát triển mạnh mẽ và lộn xộn như hiện nay. Với hàng vạn sản phẩm và hàng nghìn DN trong và ngoài nước tham gia sản xuất kinh doanh mặt hàng này, việc kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm TPCN đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Để hạn chế tình trạng thật giả lẫn lộn gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, thiệt hại cho các DN làm ăn chân chính, ngày 26/9, báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Thị trường TPCN: Thực trạng và giải pháp phát triển”.
“Ma trận” sản phẩm TPCN
Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay, cả nước đã có tới 4.190 DN tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN. Sự phát triển “thần tốc” này khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TPCN thêm khó khăn. 
Nhiều vụ phát hiện và thu giữ sản phẩm TPCN gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách để phát triển, quản lý mặt hàng TPCN còn khá lỏng lẻo, chưa phù hợp, thiếu tính khả thi khiến không ít DN sản xuất và kinh doanh TPCN mất phương hướng, làm ăn thiếu hiệu quả. 
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng giám đốc thương hiệu Mother & Care: “Thị trường TPCN tại Việt Nam vô cùng tiềm năng với nguồn nguyên liệu dồi dào, chỉ thua Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại nhiều DN sản xuất theo dạng quy mô gia đình và gia truyền, sản phẩm không có số đăng ký, bán tràn lan, thậm chí trà trộn chất cấm. Ví dụ như các sản phẩm tăng cân, giảm cân, đây là những sản phẩm bán rất chạy”. 
Cùng ý kiến như trên, bà Đỗ Việt Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP sản xuất Thương mại BioCosmestics cho rằng: “Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại TPCN, tuy nhiên có nhiều sản phẩm chưa ghi rõ cơ sở sản xuất, đơn vị phân phối sản phẩm. Hoặc có những trường hợp các cơ sở sản xuất, phân phối không công bố việc đưa sản phẩm ra thị trường”.
Đánh giá về thị trường TPCN, TS Phạm Hưng Củng – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội TPCN Việt Nam thông tin: TPCN có nhiều vai trò, trong đó có vai trò làm đẹp từ trong ra ngoài cơ thể con người. Ở Nhật Bản, mỗi năm người dân chi 200 tỷ USD cho các sản phẩm TPCN. Hiện ở hầu khắp các nước trên thế giới đã có TPCN và trở thành một ngành kinh tế phát triển. Cũng theo TS Củng, Việt Nam là nước thuận lợi cho phát triển dược thảo, chúng ta có 4.000 cây, con cho sản xuất TPCN, 9.000 cây làm thực phẩm truyền thống. Kết hợp với sự phát triển của công nghệ, chúng ta có nhiều điều kiện để đưa thảo dược thành sản phẩm tốt cho sức khoẻ.
Dùng tiêu chuẩn để “siết”
Cùng nhìn nhận về thị trường TPCN hiện nay, ông Trần Văn Châu - Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho hay: "Cộng đồng DN đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của thị trường TPCN. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo quá mức đã ảnh hưởng phần nào đến sản xuất kinh doanh TPCN. Từ những tồn tại thị trường đã ảnh hưởng tâm lý, sự lựa chọn của người tiêu dùng, trong khi lợi ích của TPCN với sức khỏe là không thể phủ nhận".
Thời gian qua, Cục an toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên theo ông Châu, trong một số trường hợp, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ không công bố sản phẩm thì Cục cũng chưa kiểm soát được. Chỉ tính trong tháng 8/2018, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã xử lý 81 trường hợp vi phạm với tổng số tiền nộp phạt là 135 tỷ đồng. Các trường hợp vi phạm chủ yếu liên quan đến các sản phẩm giảm cân.
Nhằm siết chặt hơn các hoạt động quản lý với những DN cố tình có hoạt động kinh doanh “chộp giật”, ông Trần Văn Châu thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc... Theo đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục duy trì việc kiểm soát, thanh tra một cách chặt chẽ hoạt động này. Ông Châu cũng kỳ vọng trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nhận được sự phối hợp của người dân, DN bằng việc thông tin tới Cục những những trường hợp DN kinh doanh chưa đúng.
Liên quan đến lộ trình thực hiện GMP đã được đề ra, nếu sau 1/7/2019, các đơn vị sản xuất kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN không đạt tiêu chuẩn GMP sẽ không được phép tiếp tục sản xuất. TS Phạm Hưng Củng cho rằng, cả 5 tiêu chuẩn GMP – GLP – GSP – GDP - GPP đều phải thực hiện hết. Dược là lĩnh vực thực hiện hết 5 tiêu chuẩn này rồi nhưng TPCN thì chưa thực hiện một tiêu chuẩn nào.
Còn theo ông Trần Văn Châu, hiện cả nước có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN. Trong đó, có gần 1/10 cơ sở sản xuất không phải là nhà sản xuất nhưng có hợp đồng với nhà máy sản xuẩt nào đó, do đó GMP là quy chuẩn cần thiết đối với sức khỏe. "Theo lộ trình đến 1/7/2019, DN ở nước ngoài vào Việt Nam cũng phải thực hiện GMP, nếu không thực hiện quy chuẩn này thì không được vào Việt Nam. Như vậy, đây sẽ là cuộc chơi bình đẳng. Với tiêu chuẩn GMP thì tình trạng làm ăn gian dối, đưa chất này chất kia vào trong TPCN sẽ bị loại bỏ; tình trạng chỉ mấy m2 cũng sản xuất thực phẩm chức năng sẽ được chấm dứt để tạo thị trường lành mạnh", ông Châu thông tin.
“Chúng ta đã có quy định pháp luật liên quan đến TPCN đó là Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 (Nghị định 15). Trước Nghị định 15, vấn đề về TPCN cũng đã được đề cập trong pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiếp đến là luật An toàn thực phẩm, sau đó là Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 cùng hàng loạt các thông tư, quy định khác được ban hành. Từ các quy định pháp luật nói trên cùng với nỗ lực của DN, thị trường TPCN đã có sự phát triển như hiện nay” -ông Trần Văn Châu - Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế
NAM BẮC